Ý Nghĩa Kinh Di Đà

4/03/2020

A Di Đà Phật

Quí vị Phật tử thân mến!

          Hầu hết Phật giáo đồ chúng ta đều công nhận “Đức Phật là vị cứu tinh của nhân loại . Kinh văn là một phương thuốc hay, để cứu chữa các tâm bệnh của chúng ta; còn tăng giới là những người có bổn phận gìn giữ kho tàng của Phật giáo “. Vì thế Đạo Phật đã trải qua hơn hai ngàn năm hơn mà vẫn còn tồn tại và càng thêm sáng lạng huy hoàng; để chúng ta tiện nương theo đó tu hành và làm kim chỉ nam bước sang bờ giác. Do đó, nêm Phật dạy chúng ta rằng : “Trước khi tụng kinh, cần phải hết lòng cung kính ba ngôi báu (Phật, Pháp ,Tăng) hình thức bên ngoài, thì tự nhiên ba ngôi báu(Phật, Pháp ,Tăng)trong tâm chúng ta sẽ ứng hiện cho chúng ta thấy rằng: Tự chúng ta có sẵn ba ngôi báu ấy”.

 -Tâm ta sáng suốt là “Phật”

 -Tánh ta lành là “Pháp”

 -Trí ta tịnh là là “Tăng”

          Chớ chẳng phải ở đâu mà đem đến. Nhưng trước khi muốn ba ngôi báu, mà tự nơi chúng ta có sẵn, thì giờ đây chúng ta cần nương nhờ Thường Trụ Tam Bảo như: Đức phật bằng gỗ. Bộ kinh bằng giấy. Ông Thầy phàm.

          Thí dụ như chúng ta muốn xây cất một ngôi nhà, trước phải mượn họa đồ bằng giấy.

          Biết rằng: Họa đồ bằng giấy không thể chứa cho chúng ta trong ấy được; nhưng… chúng ta cần phải nhờ nó, mới hoàn thành một ngôi nhà nguy nga lộng lẫy thật sự. Nói một cách khác, giả sử như 1 con tàu vượt qua sóng lớn trùng dương, để về 1 phương trời xa thẳm, vì dầu muốn dầu không, anh thuyền trưởng cũng phải nhờ kim chỉ nam. Nếu tàu không có kim chỉ nam, thì nhất định không khỏi lầm phương hướng, rồi chịu lênh đênh phiêu bạt trước cơn thử thách của phong ba bão tố hoặc vướng lên cồn đảo có thể nguy hiểm đến tính mạng của tất cả hành khách trong chuyến đi.

          Người tu Phật cũng thế, buổi ban sơ cũng phải nhờ Phật, Pháp, Tăng thực tế để nương tựa. Nếu một ngày kia, ta thấy chính ta tỏ ngộ Phật Tâm, thâm nhập kinh tạng, lòng được hoàn toàn thanh tịnh. Tức là ta đã thấu triệt tự tánh Tam Bảo của chúng ta, thì đâu còn nương nhờ thường trụ Tam Bảo của chúng ta, thì đâu còn nương nhờ thường trụ Tam Bảo bên ngoài nữa. Nói một cách sáng nghĩa hơn, cũng như bài vở ta đã học thuộc làu, dầu không có quyển sách, cũng cần trình tự diễn giải được như thường.

          Hiện giờ, chúng ta còn mắc phải trong vòng sự tướng, nên cần phải tụng kinh, để mượn sự tầm lý, nương giả tầm thiệt. Đến khi ngộ nhập Phật, Pháp, Tăng nơi tâm rồi, thì chắc chắn Tây Phương hiện trước mắt. Tịnh độ sẽ thấy rõ tự nơi lòng.

          Lại có người trớ trêu hỏi rằng: “Tụng kinh Tịnh Độ, mà có tịnh độ được lòng người chưa?”

          Câu hỏi đó ý vị lắm!… Người học Phật có quyền nghi; hễ nghi thì phải hỏi, hỏi để sâu trồng sự tiến hóa cho đôi bên.

          Để đáp đúng với nhu cầu, và trả lời theo câu hỏi trên, làm cho sáng nghĩa hai chữ “Tịnh Độ”; thì trong giờ phút tụng kinh Tịnh Độ, tâm ta phải thanh tịnh, không nên nhớ tưởng những việc tà, cứ để tâm vào trong một cảnh giới Đức Phật, vì chữ “Tịnh” là trong sạch, là Phật, chữ “Độ” là đất, có nghĩa là đất trong sạch, nơi cõi Phật ghép lại, Tịnh Độ là quốc độ trang nghiêm thanh tịnh của Đức Phật.

          Vậy ta nên hoán cải lòng Tham, Sân, Si trở nên Giới, Định, Tuệ vì Giới, Định, Tuệ là ba yếu tố giải thoát của đạo Phật. Tham, Sân, Si là tội nguồn tội lỗi, nó đã làm cho ta mê đắm từ bao thế kỷ trải  qua; hôm nay ta  quyết định đòi hỏi sự tự do ham muốn của nó, ta không còn cho nó quyền duy trì những lí lẽ bất công đầy tội lỗi như trước.

          Đặng vậy, tức là ta hoàn toàn biến đổi lòng dục vọng, si mê, trở thành cõi trang nghiêm tịnh độ. Điều đó chẳng những riêng người có bổn phận tụng kinh tịnh độ, mà những người trong tang gia cũng phải tịnh và độ như thế, để cho cõi lòng cao thượng không biến đổi thành cảnh âm u tội lỗi.

          Còn những câu hỏi trên, tôi xin nhắc lại lần thứ hai: “Tụng kinh là tịnh độ, mà có tịnh độ được lòng người chưa?”. Đúng như thế! Ta thử hỏi: tại sao lại có người đã thắc mắc mà nêu ra câu hỏi công năng làm Phật, và cũng không nhìn thấy ở ngay trong tâm mình lại có một khung cảnh trang nghiêm “Tịnh Độ”.

          Ngược lại, cũng có vài trường hợp không thể “Tịnh Độ” được vì trong giờ phút trang nghiêm tịnh độ không thuận hòa nhau, những người trong tang gia cứ xôn xao cãi cọ, chẳng chú tâm cầu nguyện, thì có chỗ nào khuếch trương rõ rệt rằng: “Tịnh”.

          Một khi không tịnh đặng như thế, thì căn cứ nơi đâu để có lòng trần biến đổi cảnh trang nghiêm tịnh độ? Nếu như ta không cảm hóa đặng chúng sanh trong lòng ta, thì chẳng khác nào cơ quan máy móc của con tàu đã hư mà không có người sửa chữa lại; thì nương vào đâu, để đưa hành khách về nơi bờ bến.

          Dẫn chứng bằng một cách khác, người tụng kinh là dụ: cho người hiểu rõ cơ quan máy móc của con tàu, mà cũng là vị thuyền trưởng, để thúc đẩy cho con tàu chạy đến nơi đến chốn.

          Người cầu kinh là dụ: cho hành khách.

          Vong linh được cầu siêu là dụ : cho người ở cố hương, đang mỏi mắt trông chờ cập bến, để toại nguyện gặp gỡ ân nhân. Niềm hy vọng đó được thành công nó sẽ là 1 kết quả an lành của chuyến đi. Thế mới đáp đúng câu: “Dương thới Âm siêu”. Nghĩa là phần dương được an lạc yên vui, phần âm mới thoát khỏi bao khổ sở nguy nan. Như thế, là chơn Tịnh Độ.

          Trái lại, vị thuyền trưởng không quyết tâm lái con tàu, để về bến cũ của mình,  vì hành khách trong ấy: nhất định phải xôn xao, và làm mất thăng bằng; thêm vào đấy, một trận cuồng phong dữ dội, tàu và tất cả mọi người trong ấy đều phải chìm lịm giữa biển khơi diệu vợi.

          Còn người ở cố hương, vẫn mỏi mắt trông chờ với nỗi lòng đau thương tuyệt vọng!

          Điều ấy, đã nói lên sự quan trọng của vị thuyền trưởng và những người cùng 1 chuyến đi.

          Vậy chúng ta phải cố gắng làm cho tâm thanh tịnh trước buổi tụng kinh tịnh độ, đừng để gặt lấy thảm bại vào tâm; để rồi buổi lễ ấy sẽ trở thành vô hiệu quả.

          Thế nên người tụng kinh và cầu kinh, không “Tịnh Độ” đặng nơi lòng; làm sao siêu độ cho những vong linh được giải thoát.

          Thí dụ: ta muốn cảm hóa tâm người được trong sạch, thì trước tiên tự tâm ta phải tỏ ra hoàn toàn trong sạch mới đúng.

          Huống chi theo lời Phật có nói: “Tịnh” là Phật, Phật thì mới có thể cứu khổ cho chúng sanh; còn vọng động là chúng sanh; nếu chúng sanh mà đối với chúng sanh thì đồng một thể, đâu còn ai là người hướng dẫn cho ai.

          Vì thế trong giờ phút trang nghiêm Tịnh Độ, tâm niệm của đôi bên kẻ tụng kinh người cầu, cần phải dập tắt những ngọn lửa nhớ nhung, thương tiếc đau buồn khổ hận! Nung đúc tâm can chân chánh, vun bồi đức tánh nhơn từ, mới có thể đạt đến ý nghĩa sâu sắc của hai chữ “Tịnh Độ”.

          Đặng vây, tức là bao nhiêu tậm niệm tà vọng của chúng sanh, đồng thời đã thực hiện rõ ràng một khung cảnh trang nghiêm tịnh độ trong lòng ta như chư Phật.

          Những ý nghĩa tịnh độ đã nói trên, nó là một phương châm giải thoát, một bờ cõi an lành của chư Phật; mà cũng là một cảnh giơi tiêu diêu tự tại sẵn có của chúng ta.

          … Ngược lại, cõi tịnh độ đó, nó không bao giờ đến với chúng ta, là vì một khi chúng ta không ý thức hoán đổi cõi lòng phàm, biến thành cảnh giới trang nghiêm tịnh độ.

          … Nhưng, chúng ta đừng vội bi quan, vì cảnh giới tịnh độ kia, nó sẽ trở về với chúng ta, là khi nào ý muốn của chúng ta, đã quyết cải tạo cho bản thâncủa chúng ta được đại định, kiên cố không có một thứ danh, lợi, tài, sắc nào rung cảm được. Ấy là bản năng tịnh độ trong chơn tâm sẵn có của chúng ta đã hiển bày tỏ rõ; hiện giờ mỗi người trong chúng ta, ai lại không muốn trở về trong một cõi chơn Tịnh Độ, như tôi đã trình bày; vì cõi ấy, là một cõi tiêu diêu, tự tại, vô ngại và bất diệt. Cảnh giới ấy đã được mô tả rõ ràng, trong bộ Kinh Di Đà do đức Bổn Sư Thích Ca tán dương công đức của đức Phật A Di Đà.

          Vậy bước đường về cõi ấy, nếu hiểu không lầm thì chẳng phải khó.

          Ngày xưa, vua Lương Võ Đế hỏi Đạt Ma Tổ Sư từ đây qua Tây Phương mấy ngàn dặm?

    • Tổ trả lời: “mê giả bất vạn tứ thiên lý, ngộ giả hồi đấu tắc tự kiến”. (khi mê thì từ đây qua Tây Phương tám muôn bốn ngàn dặm. Lúc ngộ thì quay đầu ngó lại thấy ngay) vì nó là một cảnh giới trong tâm sẵn có của chúng ta.

          Nên có câu:

Tâm tịnh, cảnh tịnh, là tịnh độ,
Giác tánh ngộ tâm, thị Phật tâm.

 

          Ý nghĩa tịnh độ, tôi xin lặp lại trước khi chấm dứt:

Tịnh là thanh tịnh bản thể chơn tâm,
Độ là đất Phật trang nghiêm khác cõi phàm.

“Một chí hướng Tịnh Độ cõi lòng và
Những ý nghĩa cầu siêu chơn chánh”

                                                                                                           Tác Giả : THÍCH TỪ BẠCH           

Tin Tức Liên Quan