Hơn 2.600 năm đã trôi qua kể từ đêm huyền nhiệm khi Thái tử Tất-đạt-đa vượt thành xuất gia tìm đạo, câu chuyện về Ngài vẫn thường được hàng con Phật nhắc nhớ với tất cả sự tôn kính và ngưỡng vọng. Hình ảnh vị vương tử rời bỏ vương thành Ca-tỳ-la hoa lệ, rời bỏ cung vàng điện ngọc, quyền uy và lạc thú trần gian để trở thành vị Sa-môn đi tìm lẽ thật của cuộc đời là biểu tượng đã tạo nên bao niềm xúc động.
Trên lưng ngựa Kiền-trắc, ngài vượt qua dòng Anoma, ranh giới chia đôi bờ hư – thật. Đặt chân đến bờ bên kia, Thái tử Tất-đạt-đa cũng đồng thời bước vào đời sống của vị tu sĩ du phương lấy trời đất làm nhà, lấy việc tìm ra chân lý làm mục tiêu, đời sống mà trước đó Ngài chưa từng một lần nếm trải.
Sự xả ly mà Đức Thích Tôn thực hiện đã đạt đến tột cùng dũng mãnh và vô úy, chúng ta có thể không ngại ngần khẳng định như vậy. Bởi chăng, nếu không có sự dũng mãnh, Ngài làm sao dám từ bỏ tất cả những gì mà biết bao phàm nhân nhận làm chân lý của kiếp sống để lên đường? Nếu không có đức vô úy, làm sao vị vương tử chỉ vừa độ xuân xanh có thể dấn thân vào hành trình mà kể cả Ngài còn chưa biết được điều gì sẽ chờ mình ở bên kia dòng nước?
Cho đến tận hôm nay, cuộc đời và cuộc lên đường của Đức Phật vẫn có thể là nguồn cảm hứng cho hàng con Phật và cho cả nhân loại.
Khoảng hai thập niên vừa qua, kể từ khi khái niệm “thế giới phẳng” xuất hiện, khoảng cách giữa các quốc gia, châu lục trên thế giới được thu hẹp đáng kể, sự bùng nổ của công nghệ thông tin kéo các cộng đồng xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Theo với sự phát triển của xã hội hiện đại, con người trở nên năng động hơn, dễ thích ứng với mọi biến đổi, sẵn sàng liên kết để đối đầu với những khó khăn chung.
Nhưng cùng lúc đó, biết bao nhiêu sự thật phũ phàng cũng dần phơi bày. Càng phát triển tột bậc về mặt vật chất, con người lại càng đối diện với nhiều áp lực hữu hình lẫn vô hình. Các quốc gia mất dần sự cân bằng trong phát triển, khoảng cách giàu nghèo và cực đoan dân tộc gia tăng, sự hẹp hòi và chủ nghĩa cá nhân lớn mạnh… Đối diện trước thực tế ấy, không ít người trong chúng ta đang cảm thấy dần bế tắc, thậm chí mất phương hướng trước cuộc đời.
Chính trong huống trạng ấy, cuộc đời của Phật Thích Ca như một tấm gương mà chúng ta có thể soi chiếu để tìm lại đường đi cho mình. Đó là tấm gương của lòng vị tha, của một người vì muốn thấy được chân lý đích thực đã dám xa lìa mọi vinh hoa phú quý, từ bỏ cả đời sống riêng tư để tự mình làm nên cuộc ra đi trước sau chưa từng có. Nếu không có tình thương và lòng bao dung rộng lớn, không mang trong mình đức vô úy, chí khí phi thường vượt lên trên mọi cám dỗ tầm thường, Ngài ắt hẳn đã không làm được những điều lớn lao như vậy.
Và Đức Phật còn là tấm gương của một người đã bằng năng lực tự thân, vượt thắng chính mình để trở thành bậc Đại giác, nâng mình lên một địa vị cao hơn hết thảy mà suốt mấy ngàn năm lịch sử nhân loại vẫn còn tưởng nhớ. Địa vị ấy của Ngài, chúng ta có thể diễn tả một cách ngắn gọn, chân thực nhưng cũng không kém phần tôn quý: một Con Người vượt trên mọi con người.
nguồn: giacngo.vn