Người học trò đến với thầy cần phải chú tâm lắng nghe và tiếp nhận những điều thầy chỉ dạy. Khi chúng ta hiểu rõ được những lời dạy tâm huyết của thầy thì mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động của ta, sẽ thể hiện tốt đạo đẹp đời qua mối quan hệ thầy trò.
Giáo lý nhà Phật và đạo lý làm người đều tán dương mối liên hệ thầy trò qua sự biết ơn, để mỗi người chúng ta hình thành nhân cách sống. Mỗi con người hiện hữu ở đời đều do cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, nhưng sự trưởng thành, lớn khôn, hòa nhập vào cộng đồng xã hội để làm thành cho nhau đều nhờ công ơn giáo dưỡng của thầy cô. Thế nên, bổn phận của người học trò luôn ý thức tôn kính thờ thầy mà mọi người thường gọi là: “Tôn Sư trọng đạo”.
1- Rèn luyện cho học trò theo những đức tính mà mình có.
2- Dạy cho học trò giữ gìn và nhớ kỹ điều cần thiết.
3- Dạy cho học trò nắm vững nghề nghiệp đến mức thuần thục.
4- Khen học trò đối với bạn bè quen biết.
5- Đảm bảo nghề nghiệp cho học trò trên mọi mặt.
Trong các mối quan hệ của cuộc sống thì mối quan hệ thầy đối với trò có một vai trò quan trọng nhằm mở mang kiến thức hiểu biết, nâng cao trình độ về nhận thức, để sống có nhân cách đạo đức với mọi người. Do đó, người thầy trở thành bậc mô phạm giữa đời, là tấm gương sáng để người học trò học hỏi và ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày.
Người thầy ngoài trách nhiệm trao truyền kiến thức đến người học trò mà còn chỉ dạy họ biết thực hành qua ý nghĩ, lời nói và hành động tốt đẹp. Đây chính là bước đi đầu tiên mà người học trò cần rèn luyện để trưởng thành với những đức tính tốt đẹp, đức Phật là vị thầy mô phạm ở đời, giúp cho nhân loại biết cách hoàn thiện chính mình.
Thế nên, đức Phật giáo hóa chúng sinh không biết mệt mỏi, nhàm chán để cho mọi người biết cách làm chủ bản thân, vượt qua biển khổ sông mê do dính mắc vào tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon mặc đẹp và ngũ nghỉ thoải mái.
Trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ giữa thầy và trò, có một mối quan hệ mật thiết, để tạo nên nền tảng sống tốt đẹp trong hiện tại và mai sau. “Tôn sư trọng đạo” là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, các thế hệ người Việt qua mối quan hệ thầy và trò luôn được mọi người quan tâm đặc biệt, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.
Người thầy ngoài việc chỉ dạy kiến thức, mà còn hướng dẫn về đạo làm người, truyền thống tốt đẹp đó của dân tộc Việt Nam, được đất nước ta quan tâm, khích lệ. Một người thầy chuẩn mực đạo đức đều phải có cái tâm chân thật. Cái tâm của người thầy chính là thể hiện nhân cách sống đạo đức, thấm nhuần đạo lý nhân quả qua sự chỉ dạy cho học trò vì lợi ích của cộng đồng xã hội.
Ngược lại, học trò phải luôn một mực kính trọng người thầy của mình và biết lắng nghe lời thầy chỉ dạy. Người học trò cần phải học tập theo tấm gương đạo đức của thầy, cố gắng rèn luyện trau dồi, nhân cách sống cho phù hợp với đạo lý làm người.
Tình nghĩa thầy trò là một trong những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp mà hầu hết mọi người đều trân quý, cung kính báo ơn và khiêm tốn đối với những người quan tâm chỉ dạy mình.
Trong kinh Phật dạy về cách ứng xử giữa thầy và trò qua năm điều thờ kính, phụng dưỡng thầy. Năm điều đó là gì? Một là khéo cung kính vâng lời. Hai là khéo chăm sóc giúp đỡ, hầu hạ thầy mỗi khi cần thiết. Ba là hăng hái nhiệt tình. Bốn là nghề nghiệp giỏi. Năm là hay thờ kính thầy.
Ngược lại, thầy cũng dùng năm việc săn sóc đệ tử. Năm việc đó là gì? Một là dạy cho nên nghề. Hai là nhiệt tình dạy dỗ. Ba là dạy hết những điều mình biết. Bốn là hướng học trò đến chỗ lành. Năm là gửi gắm bậc thiện tri thức. Phật đã chỉ dạy năm bổn phận căn bản của người học trò đối với thầy, biểu lộ rõ tinh thần “tôn sư trọng đạo”.
Trong thời đại văn minh vật chất ngày hôm nay, tình nghĩa thầy trò hầu như thiếu sự gắn bó. Giữa thầy và học trò có một khoảng cách khá xa, không thân tình và gần gũi như ngày xưa. Bởi vì xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cho cuộc sống lại cao hơn nên ít có thời gian thầy trò gắn bó, mật thiết với nhau do bộn bề công việc.
Mối quan hệ giữa thầy và trò, trong các truyền thống tâm linh cũng có khi rời rạc không gắn bó như thời xa xưa. Do đó người học trò rất dễ bị yếu kém về phẩm chất đạo đức, vì ít gần gũi để học hỏi kinh nghiệm quý báu từ lời dạy của thầy. Chính vì vậy, cơ hội thầy trò ngồi lại bên nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, nhằm tháo gỡ những khó khăn đang còn bị vướng mắc mà biết cách hoàn thiện chính mình.
Người học trò khi được tiếp xúc với thầy, việc trước tiên là chúng ta cần phải học hỏi đạo lý để có niềm tin sâu sắc về nhân quả và có nhận thức sáng suốt hơn, trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Việc trao truyền tri thức và đạo lý cho thế hệ kế thừa là trách nhiệm của thầy phải biết hướng dẫn đệ tử có nghề nghiệp vững chắc, sống có hiểu biết chân chính để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Quan trọng nhất, người thầy phải biết rõ khả năng của từng học trò để dạy dỗ. Chính vì vậy, mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động của thầy đều là bài học thiết thực về thân giáo, giúp học trò dễ dàng tiếp nối sự nghiệp đạo đức trí tuệ của thầy.
Người học trò đến với thầy cần phải chú tâm lắng nghe và tiếp nhận những điều thầy chỉ dạy. Khi chúng ta hiểu rõ được những lời dạy tâm huyết của thầy thì mỗi ý nghĩ, lời nói và hành động của ta, sẽ thể hiện tốt đạo đẹp đời qua mối quan hệ thầy trò.Tuy nhiên chúng ta cần phải siêng năng hăng hái trong học tập, dù khó cách mấy cũng quyết tâm học cho đến nơi, đến chốn không bỏ cuộc nữa chừng. Đến khi thành tài, người học trò phải biết tôn trọng kính thờ thầy hết lòng. Ngày xưa, thầy được xếp trên cả cha mẹ, nếu chúng ta không kính trọng thầy, dù ở bất cứ hình thức nào, thì người học trò ấy chưa làm tròn bổn phận đối với thầy.
Người thầy có tâm và trách nhiệm thì sau khi dạy dỗ học trò thành tài, cần phải giới thiệu chỗ làm tốt và mở mang phát triển cơ sở mới. Một mặt để học trò có cơ hội trả ơn bằng cách dấn thân và đóng góp sự nghiệp trồng người được hoàn thiện về mọi mặt. Nhất là, khi phát hiện được tài năng của học trò, vị thầy cần gửi học trò đến các bậc thiện tri thức để tham học và được đào tạo thành các bậc hiền tài đức độ. Được như vậy, vị thầy mới làm tròn trách nhiệm của mình trong sự nghiệp trồng người cả hai mặt phước đức vẹn toàn.
Thực tế cho thấy, vai trò và trách nhiệm của những thầy cô giáo ở ngoài đời đã khó, huống gì làm bậc thầy mô phạm tâm linh lại càng phải khó hơn nhiều vì phải đi ngược lại dòng đời, nhưng không xa rời cuộc sống. Từ cách thức đi đứng, ăn nói và giao tiếp ứng xử phải luôn thể hiện sự an nhiên tự tại, để làm nơi nương tựa cho người học về sau.
Thực ra, tâm nguyện các bậc làm thầy đạo đức chân chính, luôn mong muốn dạy cho học trò mình mau thành nghề và không giấu nghề, cố gắng truyền trao hết cho đệ tử.
Để tình nghĩa thầy trò được gắn bó, thân thương và trong sáng, nhằm đem lại hoa trái tốt đẹp làm lợi ích cho cuộc đời, thì đòi hỏi tâm ý người dạy cũng như kẻ học, phải thực sự có tình thương yêu chân thật.
Sự thành công của người học trò sẽ là niềm khích lệ lớn lao đối với người thầy, vị thầy sẽ biết cách tán dương khen ngợi đúng lúc, để động viên an ủi người học trò của mình đạt được mục đích cao quý.
Người thầy có nhiệm vụ hướng cho người học sau khi thành thạo chuyên môn, phải có ý thức thăng tiến để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó mà bản thân họ được đào tạo. Tính chuyên môn cao sẽ tạo ra tính bền vững, phát triển lâu dài trong nghề nghiệp.
Mối quan hệ giữa trò đối với thầy
1- Chào thầy khi thầy đến.
2- Hầu hạ, săn sóc thầy.
3- Hăng hái học tập thầy.
4- Tự mình giúp đỡ thầy.
5- Phát huy trau dồi nghề nghiệp mà thầy trao truyền cho mình.
Sự thể hiện lòng tôn kính khi gặp thầy và chào thầy, chính là hình ảnh người học trò biết tôn kính thầy trong mọi lúc mọi nơi. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” luôn nhắc nhỡ chúng ta biết báo ơn và đền ơn. Thầy phải tạo dấu ấn lớn trong tâm thức người học trò, trên mọi phương diện và ngược lại người trò phải hết sức tôn kính thầy, nhờ vậy mới tiếp thu hết những lời chỉ dạy của thầy, mà biết cách ứng dụng vào cuộc đời.
Kế đến, việc săn sóc thầy như là một trách nhiệm thiêng liêng qua việc “tôn sư trọng đạo”. Việc hầu hạ, săn sóc thầy mỗi khi cần thiết đã trở thành một công việc tự nguyện của người học trò.
Tóm lại, trong các mối quan hệ cuộc sống, mối quan hệ giữa thầy và trò, là mối quan hệ mật thiết tạo nên giềng mối đạo đức, nhằm giúp gia đình người thân và xã hội, đảm bảo an sinh đời sống tốt đẹp bền vững và lâu dài.
Ân thầy bạn: giúp ta mở rộng kiến thức, thầy dạy cho ta biết đọc, biết viết, biết ăn ở hiền lành phải đạo làm người, biết những điều hay lẽ phải, cốt để làm cho mình trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Cho nên ngạn ngữ có câu: ”Không thầy đố mầy làm nên“.
Chẳng những thầy dạy cho ta hiểu biết mà còn dạy cho ta biết nghiệm xét, suy tư quán chiếu làm cho trí tuệ phát sinh, để chúng ta có thể thấy biết đúng như thật, mọi vấn đề của sự sống.
Nhờ có thầy luôn khuyến khích, nhắc nhỡ, chỉ dạy, chính vì vậy mà chúng ta được động viên an ủi khi buồn vui, giúp ta vượt qua mọi chướng duyên nghịch cảnh để làm mới lại chính mình bằng trái tim thương yêu và hiểu biết.