Sáng nay, ngày 6/12 (nhằm ngày 11/11/Kỷ Hợi), tại Văn phòng 2, chư tôn đức Ban Thường trực HĐCM, HĐTS phía Nam kết hợp BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 26 ngày Đức Đệ nhất Pháp chủ HĐCM GHPGVN – Trưởng lão HT.Thích Đức Nhuận viên tịch.
Quang lâm chứng minh, tham dự có sự hiện diện của chư tôn giáo phẩm: Trưởng lão HT. Thích Đức Nghiệp – Phó Pháp chủ HĐCM, cùng chư tôn đức HĐCM: HT. Thích Như Niệm, HT. Thích Như Tín, HT. Thích Tịnh Hạnh; HT. Thích Thiện Nhơn – Chủ tịch HĐTS; HT.Thích Thiện Pháp – Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS kiêm Trưởng ban Tăng sự TW; Chư tôn đức Phó Chủ Tịch HĐTS: HT. Thích Thiện Tánh, HT. Thích Thiện Tâm, TT. Thích Thiện Thống; HT. Thích Huệ Thông – Phó Tổng thư ký HĐTS kiêm Chánh văn phòng II TWGH, cùng chư tôn đức HĐTS, các Ban, Viện TƯ; BTS GHPGVN TP. Hồ Chí Minh, BTS GHPG các quận huyện cùng đông đảo Tăng Ni sinh các tự viện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.
Về phía các cơ quan nhà nước có sự tham dự của bà Nguyễn Lê Hà – Đại diện Cục An ninh Nội địa – Bộ Công an; cùng các vị đại diện Thành ủy, Ủy ban MTTQVN Tp. Hồ Chí Minh; Ban Tôn giáo Tp. Hồ Chí Minh…
Trưởng lão Hòa thượng có pháp hiệu Thanh Thiệu, pháp danh Đức Huy, thế danh Phạm Đức Hạp, sinh năm 1897 tại Hải Hậu, Nam Định; xuất gia năm 20 tuổi (1917). Trưởng lão Hòa thượng là bậc tôn túc chân tu đức độ, giới hạnh tinh nghiêm, luôn nêu cao sứ mạng truyền thừa đạo mạch, công lao to lớn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo. Ngài mở nhiều lớp Phật học ở nhiều nơi, đào tạo Tăng Ni tài đức, lần lượt thành danh; Qua các kỳ Đại giới đàn khai mở, từng hàng giới tử được giới thể chu viên, đào tạo lớp lớp Tăng Ni tài đức, làm người kế thừa phụng sự cho Giáo hội, xã hội.
Tháng 11-1981, tại Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam thành lập GHPGVN, ngài được cung thỉnh đảm nhận ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị này, Trưởng lão Hòa thượng đã đề đạt kiến nghị Chính phủ cho Giáo hội được mở Trường Cao cấp Phật học tại ba miền Nam, Trung, Bắc; chùa chiền được nuôi dưỡng người phát tâm xuất gia tu học, được tự do hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở tự viện trong cả nước… Những kiến nghị trên được Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ chấp nhận.
Từ Hội nghị đại biểu thống nhất Phật giáo (1981), đến Đại hội đại biểu Phật giáo kỳ 3 (1992), ngài được Tăng Ni tiếp tục được suy tôn vào ngôi vị Pháp chủ GHPGVN cho đến ngày viên tịch.
Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN an nhiên thu thần nhập diệt vào lúc 5 giờ 5 phút, ngày 23-12-1993 (nhằm ngày 11-11-Quý Dậu). Trụ thế 97 năm, 77 hạ lạp.
Tại lễ tưởng niệm lần thứ 26 ngày Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN viên tịch, HT Thích Thiện Nhơn dâng lời tưởng niệm, tri ân công đức sâu dày của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN và chư tôn đức thành viên HĐCM, chư sơn thiền đức Hội đồng Trưởng lão các Tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam đã viên tịch qua các thời kỳ.
“Trên ngôi vị Pháp chủ tối cao, cố Trưởng lão Hòa thượng đã tỏa sáng gương lành, ân đức bao trùm Tăng Ni, Phật tử cả nước, làm hải đăng định hướng cho GHPGVN. Qua những lời khuyến tấn thâm nghiêm, nhân hậu, hàm tàng bao ý nghĩa xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN ngày càng phát triển, trang nghiêm, hưng thịnh trong lòng dân tộc trên các lĩnh vực. Và thực tế những năm qua, GHPGVN cùng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước đã phụng hành giáo chỉ của cố Đại lão Hòa thượng thực hiện thành công tốt đẹp và có hiệu quả các công tác Phật sự của Giáo hội, làm tốt đạo đẹp đời trong hiện tại cũng như tương lai”, HT. Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.
Trong không khí trang nghiêm của lễ tưởng niệm, chư tôn đức giáo phẩm Ban Thường trực HĐCM, HĐTS, BTS GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, các vị khách quý đại diện các cơ quan đã dâng nén tâm hương với lòng thanh tịnh thành kính cúng dường, tưởng niệm.
Đại chúng đồng tụng niệm cúng dường, tưởng niệm công đức và đạo hạnh cao dày của Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN, chư thiền đức Hội đồng Trưởng lão các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo Việt Nam, chư tôn thiền đức tiền bối hữu công, nguyện báo đáp công ân cao dày của các bậc tiền nhân đối với Đạo pháp và Dân tộc; thể hiện mối tâm giao, tình pháp lữ đời đời trong Chánh pháp.