Chiều nay, 1-12, tại cơ sở 2 (xã Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh), Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM đã tổ chức lễ khai giảng chương trình cử nhân Phật học XIV và cao đẳng Phật học khóa I.
Quang lâm chứng minh và tham dự có Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật HĐCM, Viện trưởng Học viện; TT.Thích Viên Trí, TT.Thích Nhật Từ – đồng Phó Viện trưởng Học viện; TT.Thích Quang Thạnh, Tổng Thư ký Hội đồng Điều hành Học viện; chư tôn đức lãnh đạo các khoa, giảng viên, cùng Tăng Ni sinh tham dự.
Phát biểu khai mạc, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng nhắc lại việc đào tạo Tăng Ni qua 11 khóa tại Học viện, trong đó “một số lớn đã trưởng thành có học vị Tiến sĩ và Thạc sĩ đang giảng dạy tại Học viện cũng như các trường Phật học khác”.
Hòa thượng cho biết, năm nay có trên 1.000 Tăng Ni nội trú, còn một phần ngoại trú. Theo Hòa thượng, khóa XIV mới vào có nhiều thuận lợi hơn các khóa trước, vì Học viện cho đến nay có nguồn lực giảng viên dồi dào, với những người có trình độ cao. Chính đội ngũ trí thức này sẽ giúp Tăng Ni sinh nâng cao trình độ kiến thức Phật học.
“Lần đầu tiên khai giảng khóa I ở tại Học viện, tôi ít thấy các vị giảng viên có văn bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ, trừ cố Hòa thượng Viện trưởng sáng lập. Nhưng hiện nay, Học viện đã có trên 100 vị giáo thọ sư có văn bằng Tiến sĩ – con số này ngang tầm với các trường Phật học trên thế giới”, Hòa thượng Viện trưởng nhận định.
Nói về việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ mà Học viện đã và đang thực hiện, Hòa thượng Viện trưởng cho biết những ưu điểm so với chế độ niên chế trước đây. “Các Tăng Ni siêng năng, học giỏi thì quý vị sẽ rút ngắn thời gian tốt nghiệp xuống còn 2 năm rưỡi, những người trung bình thì sẽ 3 năm đến 3 năm rưỡi, những người khác sẽ cần 4 năm thậm chí 5-6 năm mới ra trường. Hội đồng Điều hành mong muốn quý vị học giỏi để rút ngắn thời gian ra trường, rồi tiếp tục học thêm các cấp bậc thạc sĩ, tiến sĩ tại trường”, Hòa thượng gửi gắm.
Đối với khóa cao đẳng đầu tiên, Hòa thượng cho biết, nếu trong quá trình đào tạo 2 năm, các Tăng Ni giỏi sẽ tiếp tục học thêm cho đủ các tín chỉ cần thiết của hệ cử nhân, khi đó cũng sẽ được cấp phát văn bằng cử nhân như các Tăng Ni sinh hệ đào tạo chính quy.
Tại lễ khai giảng, Hòa thượng Viện trưởng và chư tôn đức Hội đồng Điều hành đã trao phần thưởng cho các Tăng Ni đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua.
Sau đó, Hòa thượng Viện trưởng khởi hồi trống khai giảng năm học đầu tiên cho khóa XIV cử nhân Phật học và khóa I cao đẳng Phật học của Học viện trong tinh thần hoan hỷ của toàn thể Tăng Ni.
Hiện nay, Học viện đang thông báo tuyển sinh Thạc sĩ khóa III và đang đào tạo Tiến sĩ khóa I trên cơ sở sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ. Bên cạnh đó, Học viện cũng đã liên kết đào tạo, nâng cao chất lượng dạy học trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay với các trường đại học Phật giáo trên thế giới. Các trường cũng đã đến làm việc, ký kết và trao các học bổng cho các Tăng Ni sinh có đủ điều kiện để học lên các cấp bậc cao hơn.
Từ tháng 6-2016, Học viện đã tiến hành cho Tăng Ni sinh nội trú tại cơ sở 2, tạo nhiều điều kiện thuận lợi về sinh hoạt phí cũng như miễn học phí cho Tăng Ni nội trú (800 vị khóa XII và khóa XIII đăng ký 780 vị; hiện nay khóa XIV có 170 vị Tăng và 239 Ni sinh đăng ký nội trú).
Dịp này, Phòng đào tạo, các khoa đã giới thiệu về chương trình đào tạo của hai năm đại cương cũng như sự lựa chọn của các Tăng Ni sinh khóa XII, XIII về ngành đào tạo chuyên sâu tại các khóa của Học viện.
Được biết, Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM là một trong 4 Học viện Phật giáo thuộc hệ thống đào tạo Tăng Ni của GHPGVN, tiền thân là Trường Cao cấp Phật học VN tại TP.HCM.
Học viện có 10 khoa chuyên ngành, với đội ngũ giảng viên hơn 130 vị có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ và hơn 20 học giả có những công trình nghiên cứu, dịch thuật về Phật học cùng nhiều lĩnh vực khác.
Học viện đang đào tạo khóa XII, XIII và 404 Tăng Ni sinh vừa trúng tuyển tại kỳ tuyển sinh khóa XIV. Năm nay, Học viện tuyển sinh hệ cao đẳng Phật học với 77 Tăng Ni sinh theo học khóa I.
Dịp này, chùa Giác Ngộ (Q.10) đã phát tâm cúng dường 1 tỷ cho quỹ đời sống Tăng Ni sinh của Học viện.
theo: GiacNgo