Giáo hội sẽ làm phong phú trở lại kênh truyền hình An Viên

30/12/2019

Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN (HĐTS) và Hội nghị thường niên kỳ 6 khóa VIII GHPGVN sẽ diễn ra từ ngày 28-12 đến 31-12-2019, tại Văn phòng Thường trực TƯGH tại TP.HCM (Văn phòng II) – Thiền viện Quảng Đức.

TT.Thích Đức Thiện tại Hội nghị Ban Thường trực HĐTS cuối năm 2019 – Ảnh: Bảo Toàn
Trước thềm sự kiện này, Báo Giác Ngộ đã có cuộc phỏng vấn TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS. Nói về nội dung trọng tâm của Hội nghị, Thượng tọa cho biết:
– Đây là hội nghị thường niên của Ban Thường trực HĐTS và HĐTS GHPGVN thực hiện theo Hiến chương GHPGVN. Hội nghị thường niên HĐTS kỳ 6 khóa VIII sẽ được tổ chức từ ngày 28 đến 31-12-2019 với nội dung trọng tâm là tổng kết hoạt động Phật sự của toàn Giáo hội, của các Ban, Viện T.Ư, các Ban Trị sự GHPGVN các địa phương trong năm 2019. Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu trong phương hướng hoạt động Phật sự đã đề ra; chỉ ra những mặt tích cực, nguyên nhân hạn chế trong công tác tổ chức, điều hành hoạt động Phật sự chung của Ban Thường trực HĐTS, của Ban, Viện T.Ư, của HĐTS.
Trên cơ sở căn cứ vào kết quả hoạt động Phật sự mà Tăng Ni, Phật tử GHPGVN đạt được trong năm 2019, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, hội nghị kỳ này có nhiệm vụ thảo luận, đề ra phương hướng hoạt động Phật sự năm 2020 của GHPGVN. Do đó, phương hướng hoạt động Phật sự năm 2020 có tính quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu nhiệm kỳ mà Đại hội VIII đã đề ra vì năm 2020 là một năm đặc biệt, đó là năm giữa nhiệm kỳ VIII (2017-2022).
Trong năm qua, dư luận xã hội đã có nhiều thông tin không tốt đẹp đối với Phật giáo. Ông Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng cũng từng cho đó là sự khủng hoảng về truyền thông Phật giáo và nhận định rằng Giáo hội chưa có sự quản lý thống nhất về phát ngôn. Với vai trò của mình, Thượng tọa nhận định như thế nào về tình hình của GHPGVN, và đối với ý kiến của ông Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ?
– Đánh giá một cách khách quan, trong năm 2019, GHPGVN, các Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN các địa phương, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước đã gặt hái được những thành tựu to lớn trên mọi mặt hoạt động Phật sự chuyên ngành.
Những thành tựu đó được phản ánh trong hoạt động Phật sự nổi bật như: Lễ kỷ niệm 35 năm Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM; khánh thành Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại TP.Cần Thơ; hoạt động hoằng pháp rộng khắp, các hội thảo hoằng pháp tập trung tại miền Trung, Tây Nguyên…; các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên được tổ chức ở các chùa khắp cả nước; công tác từ thiện xã hội đạt hàng ngàn tỷ đồng, Tăng Ni, Phật tử thực hiện tốt các cuộc vận động, phong trào của MTTQVN như: Cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng văn hóa an toàn khi tham gia giao thông, đền ơn đáp nghĩa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, chăm sóc người có công…; nổi bật nhất là sự kiện GHPGVN tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc PL.2563 – DL.2019 tại Tam Chúc, Hà Nam với nội dung văn hóa Phật giáo, học thuật và những khách mời đặc biệt, được đánh giá là đại lễ thành công nhất trong các kỳ tổ chức Vesak Liên Hiệp Quốc ở các nước trên thế giới.
Mặc dầu vậy, năm 2019 cũng là một năm sóng gió đối với GHPGVN trước một số vụ việc đã làm cho dư luận xã hội “dậy sóng” luận bàn, phần nào làm ảnh hưởng tới niềm tin của đạo Phật, hình ảnh của Tăng Ni và GHPGVN như vụ việc xảy ra tại chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) và sư trụ trì chùa Nga Hoàng (tỉnh Vĩnh Phúc)… Đó cũng được xem như là hậu quả của khủng hoảng truyền thông, những gì mà chúng ta phải thực sự đối diện trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay.
Liên quan đến việc thống nhất quản lý trong phát ngôn, Hiến chương GHPGVN đã quy định về việc phát ngôn tại Điều 19, Điều 24 – Chương V, Ban Thông tin-Truyền thông Trung ương cũng đã xây dựng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của GHPGVN đã được Ban Thường trực HĐTS phê chuẩn.
Qua đó cho thấy GHPGVN đã có một sự thống nhất trong quản lý phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đâu đó còn xuất hiện những hạn chế, tồn tại trong phát ngôn là do Tăng Ni chưa thực hiện đúng theo quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của GHPGVN quy định. Tôi mong rằng, qua những sự việc như vậy, Tăng Ni sẽ ý thức hơn nữa về sự nghiêm trọng trong phát ngôn, mức độ ảnh hưởng trong những phát ngôn trong thời đại phát triển của mạng xã hội và các phương tiện thông tin kỹ thuật số.

Thưa Thượng tọa, xã hội hiện đại với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là về công nghệ thông tin, đã tác động và làm thay đổi đời sống con người từng ngày, từng giờ. Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ. Trước sự tác động đó, Giáo hội cần có những điều chỉnh gì trong hướng hoạt động để hoằng dương Chánh pháp một cách hiệu quả, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống trong thời hiện đại?
– Về vấn đề này, tôi xin dẫn lời khẳng định của Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Phan Tâm nhận định về sự đột phá của GHPGVN trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa văn bản hành chính Giáo hội, vượt qua thách thức của cuộc cách mạng 4.0 như sau: “GHPGVN, cụ thể là Ban Thông tin-Truyền thông đã đi đầu, tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có đột phá về số hóa văn bản hành chính, đặc biệt là sự hiện đại trong việc truy cập các thông tin, văn kiện và các bài tham luận của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 qua mã code QR”.
Trong phương hướng hoạt động Phật sự mà Đại hội VIII đã đề ra tại điểm thứ 8 định hướng đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp, thực tế, Ban Thư ký HĐTS, Ban Thông tin-Truyền thông, Văn phòng Trung ương Giáo hội đã chỉ đạo trang thông tin tổng hợp Phật sự online làm rất có hiệu quả để triển khai các hoạt động Phật sự của Giáo hội, chuyển tải những thông tin hoạt động Phật sự nhanh chóng, kịp thời, chính xác ở tất cả các địa phương, đáp ứng được nhu cầu thông tin truyền thông của Giáo hội. Các trang báo truyền thống và điện tử như: Báo Giác Ngộ, Phatgiao.org.vn và Giác Ngộ online (giacngo.vn) của Báo Giác Ngộ… đã làm rất tốt sứ mệnh của mình.
Trong dịp Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc tại chùa Tam Chúc, Giáo hội đã ấn nút khai trương mạng xã hội dành cho cộng đồng Phật tử: Butta.vn, và trong thời gian tới, Giáo hội sẽ tập trung phát triển, làm phong phú trở lại kênh truyền hình An Viên…
Nhân dịp này, Thượng tọa có lời nhắn gửi gì gửi đến Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, đặc biệt với giới trẻ?
– Giáo hội mong muốn rằng Tăng Ni, Phật tử hãy phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội. Tăng Ni trẻ chúng ta, hơn lúc nào hết, cần trau dồi đạo hạnh, dù trong suy nghĩ, đến hành động, và phát ngôn, hãy nghĩ đến niềm tin của tín đồ đạo Phật; đối với xã hội không bị làm tổn thương, hãy nghĩ đến gìn giữ hình ảnh tốt đẹp của GHPGVN.

Xin cảm ơn Thượng tọa!

H.Diệu thực hiện
nguồn: giacngo.vn

Tin Tức Liên Quan