Cuộc đời của Đức Phật

30/11/2019

Nguyên Tác: JOHNATHAN LANDAW – Người Dịch: HT. THÍCH TRÍ CHƠN


Sự Giáng Trần Phúc Lợi

Nhiều, rất nhiều năm trước tại nước nhỏ ở miền bắc Ấn Ðộ, một biến cố xảy ra đã làm thay đổi toàn thế giới. Hoàng hậu Ma-Da (Maya) (1), vợ vua Tịnh Phạn (Suddhodana) (2) nhân đức trong lúc ngủ đã thấy một điềm chiêm bao. Trong giấc mộng hoàng hậu thấy một luồng ánh sáng rực rỡ từ trên trời chiếu xuống nơi bà, và trong luồng ánh sáng đó có hình ảnh một con voi to lớn. Voi màu trắng bạch và có sáu ngà. Con voi ánh sáng này bay mỗi lúc mỗi tiến lại gần hoàng hậu và cuối cùng hòa nhập vào trong thân thể của bà. Hoàng hậu Ma-Da thức giấc, lòng tràn ngập niềm vui vô biên, mà từ trước nay hoàng hậu chưa bao giờ có được.

Hoàng hậu liền báo cho vua Tịnh Phạn biết, và cả hai đã hỏi yêu cầu các quần thần thông bác trong triều đình giải thích về ý nghĩa của điềm chiêm bao. Quý vị trả lời: “Tâu bệ hạ, đó là một giấc mộng lành. Có nghĩa là hoàng hậu sắp sinh con, và vị hoàng tử này tương lai sẽ trở thành một siêu nhân. Không riêng bệ hạ và hoàng hậu, mà toàn thế giới nhân loại đều hưởng sự phúc lành khi hoàng hậu hạ sinh một thái tử, đặc biệt như thế.”

Nghe tin lành như vậy, đức vua và hoàng hậu hết sức vui mừng. Hoàng thượng rất sung sướng vì Ngài mong ước có một hoàng nam để tương lai nối ngôi thay ông trị vì đất nước. Và giờ đây điều ước muốn đó của đức vua có thể trở thành sự thực.

Theo phong tục thuở xưa, người phụ nữ trở về quê cha mẹ để sinh đứa con đầu lòng. Cho nên vào lúc sắp sinh thái tử, hoàng hậu Ma-Da cùng với các bạn bè và những người hầu cận đã rời cung điện vua Tịnh Phạn để bắt đầu lên đường trở về quê ngoại của bà.

Ðoàn tùy tùng đi một khoảng chưa xa bao nhiêu, hoàng hậu đã bảo ngừng lại nghỉ ngơi. Bà cảm thấy đứa bé sắp sửa ra chào đời. Khi đoàn người đến hoa viên Lâm Tỳ Ni (Lumbini) (3) xinh đẹp, hoàng hậu đi vào trong vườn này để tìm một nơi thuận tiện cho việc sinh hoàng tử. Các tích chuyện đã ghi chép rằng, ngay cả loài vật và cây cỏ cũng muốn giúp đỡ vì chúng biết đứa trẻ hoàng hậu sắp sinh là một siêu nhân. Một nhánh từ một thân cây lớn cuốn cong xuống, và hoàng hậu đã nắm chặt nó với bàn tay phải của bà. Tự chống đỡ trong tư thế này, hoàng hậu đã sinh thái tử. Những người hầu cận đưa tay bồng em bé và trầm trồ ngợi khen mặt mày thái tử trông hảo tướng và trang nghiêm làm sao.

Vào lúc ấy, khắp nơi trong nước, dân chúng cảm thấy an bình và hạnh phúc. Mọi người quên hết nỗi ưu phiền, không còn cải vã tranh chấp và tất cả đều bày tỏ tình thương yêu bao la thân hữu với nhau. Có người thấy mống ngũ sắc xuất hiện trên bầu trời, cùng những điềm lành và các sự việc bất thường khác.

Các hiền nhân ở toàn vương quốc đều nhận thấy những dấu hiệu an lành và phúc lợi này, cho nên họ vui mừng nói với nhau: “Thật là điều đại phước đã xảy ra. Hãy lưu ý đến những điềm cát tường này! Hôm nay là ngày Rằm tháng tư. Hẳn chắc đó là một ngày trọng đại!”

Hoàng hậu Ma Da không ngờ niềm vui của bà hạ sinh hoàng nam vào lúc ấy lại được toàn dân trong nước đều hân hoan chia xẻ, và hoàng hậu ẵm trong thay thái tử vừa mới sinh trở về kinh đô của nhà vua.

Cuộc Viếng Thăm Của Vị Đạo Sư Hiền Đức

Với niềm vui lớn lao, vua Tịnh Phạn chúc mừng hoàng hậu và thái tử vừa mới đản sinh. Dân chúng tổ chức các buổi hội hè tưng bừng và treo cờ kết hoa rực rỡ trên toàn quốc. Ðó là thời kỳ đại hạnh phúc và thanh bình của đất nước. Vì mọi người khắp nơi đều hân hoan vui mừng cho nên đức vua và hoàng hậu đặt tên cho thái tử là “Tất Ðạt Ða” (Siddhartha) (4) nghĩa là “người đã mang lại mọi điều lành”.

Bấy giờ các hiền nhân đều tiên đoán về thái tử. Họ thưa: “Tâu bệ hạ, những điềm báo trước trong ngày thái tử đản sanh rất tốt đẹp. Thái tử sau này sẽ trở thành nhân vật còn vĩ đại hơn hoàng thượng bây giờ!” Nghe nói vậy, đức vua rất hãnh diện. Ngài thầm nghĩ: “Nếu các hiền nhân này nói đúng thì con ta thái tử Tất Ðạt Ða tương lai có thể là một vị minh quân, không những trị vì vương quốc nhỏ của ta mà còn cai trị cả toàn thế giới! Thật là điều vinh dự lớn lao cho riêng ta cũng như hoàng tộc”.

Vài ngày đầu tiên sau khi hoàng tử ra đời, nhiều người đã vào cung điện để thăm thái tử vừa mới giáng sanh. Một trong các vị này là ông tiên A Tư Ðà (Asita) (5). Ông là một đạo sĩ sống ẩn tu trong rừng sâu, và nổi danh là một con người rất thánh thiện. Ðức vua và hoàng hậu ngạc nhiên thấy đạo sĩ A Tư Ðà rời bỏ khu rừng ông đang ở để vào thăm cung điện, liền nói với sự kính trọng: “Thưa đạo sư hiền đức, chúng tôi rất hân hạnh được Ngài đến thăm. Xin cho chúng tôi biết mục đích viếng thăm của đạo sư, và chúng tôi hân hạnh sẽ phục vụ cho Ngài bất cứ điều gì Ngài cần đến”.

Ðạo sĩ A Tư Ðà đáp lời: “Bần đạo xin cám ơn về sự ân cần tiếp đón của đức vua và hoàng hậu. Bần đạo từ xa đến viếng thăm quý vị vì bần đạo thấy có những điềm lạ xuất hiện gần đây. Các điều ấy báo cho bần đạo biết rằng thái tử mà hoàng hậu vừa mới sinh, tương lai sẽ thành đạt sự nghiệp kiến thức tinh thần vĩ đại. Lâu nay, bần đạo đã dành hết cuộc đời tu tập để mong có được trí tuệ siêu phàm ấy, cho nên bần đạo nóng lòng đích thân muốn đến sớm để gặp thăm thái tử”.

Hoàng thượng vui vẻ vội vàng đến nơi thái tử đang nằm ngủ. Ðức vua cẩn thận bồng thái tử mang đến cho đạo sĩ A Tư Ðà. Ông ta nhìn hoàng tử một hồi lâu và không nói gì. Rồi sau cùng đạo sĩ bước lui, buồn bã nhìn lên bầu trời thở dài và bắt đầu than khóc.

Nhìn đạo sĩ A Tư Ðà khóc, đức vua và hoàng hậu cảm thấy lo lắng. Cả hai sợ rằng đạo sĩ đã trông thấy tướng trạng gì xấu nơi thái tử. Ðôi mắt đầy lệ, vua Tịnh Phạn quỳ xuống và kêu lên: “Thưa đạo sĩ, Ngài đã thấy gì nơi hoàng tử khiến Ngài phải khóc? Tất cả những vị hiền đức khác đều bảo rằng thái tử con của trẩm ra đời sẽ trở thành một đại nhân, có được trí tuệ siêu phàm. Nhưng nay, sau khi xem tướng thái tử Ngài lại khóc. Ðiều ấy có nghĩa là thái tử sẽ chết sớm? Hay có điều gì rất khủng khiếp sắp xảy ra cho thái tử? Thái tử là đứa con độc nhất mà trẩm rất yêu quý, xin hãy mau mau cho trẫm biết Ngài đã thấy gì nơi thái tử vì tâm của trẩm hiện đang quá hồi hộp đầy sự buồn khổ và lo âu”.

Rồi với cái nhìn đầy từ ái, đạo sĩ A Tư Ðà trấn an đức vua cùng hoàng hậu và bảo họ không có gì phải lo sợ. Ðạo sĩ nói:

“Xin bệ hạ và hoàng hậu chớ quá phiền muộn. Bần đạo khóc không phải vì thấy có ẩn dấu gì xấu nơi thái tử. Thật vậy, điều mà bần đạo đã xem và biết chắc rằng thái tử khi lớn lên sẽ trở thành một đấng siêu nhân. Bần đạo đã nhìn thấy nơi thái tử có nhiều tướng tốt đặc biệt – như ánh sáng phát chiếu ra từ các ngón tay của người điều ấy báo cho bần đạo biết rằng tương lai của thái tử sẽ hết sức huy hoàng.

“Nếu thái tử quyết định ở lại với bệ hạ để lên làm vua, thái tử sẽ trở thành một vị chuyển luân thánh vương trong lịch sử. Thái tử sẽ trị vì một đất nước rộng lớn và mang lại cho quốc dân nhiều an lành hạnh phúc. Nhưng nếu thái tử không muốn lên ngôi hoàng đế, tương lai của người sẽ còn vĩ đại hơn! Thái tử sẽ trở thành một đấng đại đạo sư, chỉ bày cho toàn nhân loại phương pháp sống thế nào để có được tâm an lạc và tình thương. Nhận thấy thế gian đầy nỗi buồn đau, thái tử sẽ rời bỏ cung điện đi tu, để tìm ra con đường chấm dứt sự khổ đau. Rồi người sẽ chỉ dạy cho bất cứ ai muốn tìm học giáo lý ấy.

“Không, tâu bệ hạ và hoàng hậu, bần đạo không phải khóc cho thái tử, mà khóc than cho chính mình. Hoàng thượng xem, bần đạo đã dùng hết cả cuộc đời để sưu tầm chân lý, tìm ra con đường chấm dứt mọi khổ đau. Và hôm nay, bần đạo đã gặp thái tử, người một ngày kia sẽ chỉ dạy những điều mà bần đạo muốn tu học. Nhưng đến lúc thái tử có đủ khả năng để dạy dỗ thì bần đạo đã từ trần rồi. Như vậy bần đạo sẽ không được tu học với hoàng tử trong kiếp này. Cho nên bần đạo hết sức buồn khổ. Nhưng bệ hạ và hoàng hậu, thật là đại phước, không nên buồn lo. Hãy vui mừng đã sinh được một hoàng nam siêu việt như thế”.

Rồi đạo sĩ A Tư Ðà nhìn thái tử lần cuối cùng rất lâu, và từ từ rời khỏi cung điện. Ðức vua nhìn theo đạo sĩ bước đi rồi, quay lại hướng mắt về thái tử. Ngài rất sung sướng vì biết rằng không có gì hiểm nguy, đe dọa cuộc sống của thái tử. Rồi nhà vua thầm nghĩ: “Ðạo sĩ A Tư Ðà dạy rằng thái tử Tất Ðạt Ða tương lai sẽ trở thành một đại vương hoặc là một đại đạo sư. Tốt nhất, trước tiên thái tử sẽ là một vị vua. Hãnh diện biết bao khi ta có được một hoàng tử nổi danh và đầy quyền uy như thế! Rồi khi thái tử đến tuổi già như đạo sĩ A Tư Ðà, người có thể xuất gia để trở thành một đạo sư hiền đức nếu thái tử muốn”.

Suy nghĩ điều như vậy, vua Tịnh Phạn sung sướng đứng bồng thái tử trong tay, ước mơ tưởng nghĩ đến danh vọng mà con của mình một ngày nào sẽ có.

Hoàng Tử Nhân Đức

Trong lúc thái tử đang còn quá bé thì thân mẫu của thái tử, hoàng hậu Ma Da từ trần.

Không lậu trước ngày hoàng hậu qua đời, bà ta nói với cô em gái: “Sắp đến ngày chị không còn có thể chăm sóc cho em bé mới sinh của chị nữa. Dì thân mến, sau khi chị mất, xin dì nuôi nấng thái tử Tất Ðạt Ða giúp chị”. Em của hoàng hậu hứa sẽ làm điều đó. Bà rất yêu thương và nuôi dạy thái tử giống như con riêng của mình.

Thái tử lớn lên và trở nên một đứa bé thông minh, dễ thương và nhân từ. Phụ hoàng đã mời các danh sư tài giỏi nhất trong nước để dạy cho thái tử, và thái tử nhanh chóng chứng tỏ là rất mực thống minh. Sau vài ngày đầu tiên dạy dỗ, các giáo sư đều báo cáo với nhà vua:

“Tâu bệ hạ, thái tử không cần đến chúng tôi nữa. Chỉ sau vài bài học, thái tử đã biết hết mọi điều chúng tôi muốn dạy. Thực vậy, thái tử đã dạy lại chúng tôi những điều mà chính chúng tôi chưa bao giờ biết từ trứơc!”

Nghe nói thế niềm hảnh diện nơi đức vua về thái tử lại càng tăng trưỡng thêm lên. Hoàng thượng suy nghĩ: “Với tánh thông minh của con ta thái tử lớn lên, chắc sẽ trở thành một vị vua tài đức và hùng mạnh”, và điều này làm cho nhà vua rất sung sướng.

Nhưng thái tử còn có những điểm đặc biệt hơn cả sự thông minh. Bản tính của thái tử là rất tốt, hiền lành và có lòng từ bi. Những bạn cùng lứa với thái tử đã thích chơi các trò chơi vật lộn sôi nổi của trẻ con hay giả làm lính và đánh lẫn nhau. Nhưng thái tử Tất Ðạt Ða đã dùng hết thì giờ cho cuộc sống thầm lặng của mình. Thái tử thương yêu những con vật nhỏ sống trong vườn ở hoàng cung và kết bạn thân thiết vơi chúng. Loài vật biết thái tử không bao giờ sát hại chúng cho nên chúng cũng không cảm thấy sợ hãi thái tử. Ngay cả thú dữ thường hay bỏ chạy khi thấy người lại gần, nhưng chúng đến chào mừng khi thấy thái tử bứơc vào công viên. Chúng tiến lại gần không chút sợ sệt và nhận lấy từ bàn tay thái tử các thức ăn mà thái tử luôn mang theo cho chúng.

Ngày nọ, đang ngồi trong hoa viên, thái tử trông thấy một đàn thiên nga bay trên trời. Thình lình một mũi tên bắn lên không trung và một con bị trúng. Nó rớt từ trên không xuống nơi chân của thái tử với mũi tên đang còn dính nơi cánh của chim.

Thái tử Tất Ðạt Ða nhẹ nhàng ôm con chim bị thương lên và nói nhỏ với nó: “Ồ, Thiên nga tội nghiệp con của ta. Con đừng sợ. Ta sẽ chăm sóc cho con nhé. Này, hãy để ta rút mũi tên ra.” Rồi, thái tử dùng bàn tay dịu dàng vuốt ve để chim hết sợ. Và tay kia thái tử từ từ lấy mũi tên ác nghiệt ra. Thái tử dùng thuốc đặc biệt thoa vào cánh của chim, và luôn luôn nói với giọng nhỏ nhẹ, trìu mến để nó không còn sợ hãi. Sau cùng thái tử lấy chiếc áo lụa của mình bao quanh giữ cho thân chim được ấm.

Giây lát sau, một thiếu niên trẻ khác chạy vào trong vườn. Ðó là Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) (6), anh em bà con với thái tử. Thiếu niên này tay mang cung tên và vui vẻ la lớn: “Này Tất Ðạt Ða, Tất Ðạt Ða, có tin mừng! Em bắn trúng con thiên nga! Anh thấy tài chưa, chỉ một phát đầu em bắn trúng đích liền! Nó rơi xuống gần đâu đây. Anh giúp em tìm nó đi.”

Rồi Ðề Bà Ðạt Ða thấy mũi tên của mình đang còn dính máu rớt nằm trên mặt đất gần chân của thái tử. Nhìn cạnh đó, Ðề Bà trông thấy thái tử đang ôm chặt vật gì trong tay, và nhận ra đó là con thiên nga mà anh ta đang tìm kiếm. Ðề Bà la lên: “Ê, anh giữ con thiên nga của em. Anh đưa nó cho em. Em bắn trúng thiên nga nó là của em.” Ðề Bà chụp giật lấy con chim, nhưng thái tử giữ chặt không cho người em giận dữ sờ chạm đến nó.

Thái tử nói với giọng cương quyết: “Anh tìm thấy con chim bị thương rỉ máu rơi nằm ở đây, và anh nhất định không trao chim cho bất cứ ai, khi nó chưa lành vết thương.”

Ðề Bà lại to tiếng: “Nhưng chim là của em. Vì rõ thực là do em đã bắn rơi nó, và anh đã lấy cắp chim của em. Vậy anh hãy trả chim cho em hoặc em sẽ bắt lại nó.”

Hai hoàng tử đứng cãi cọ như vậy trong giây lát, Ðề Bà mỗi lúc càng nổi giận, nhưng Tất Ðạt Ða từ chối nhất định không trao chim cho Ðề Bà. Cuối cùng thái tử nói: “Khi hai người có việc tranh cãi như thế này, chúng ta nên giải quyết vấn đề tại pháp đình. Trước một số các quần thần sáng suốt, mỗi bên sẽ trình bày sự việc xảy ra như thế nào. Rồi quý vị hiểu biết đó sẽ phán quyết ai đúng ai sai. Tôi nghĩ chúng ta nên làm như vậy.”

Ðề Bà không thích ý kiến này lắm, nhưng đây là phương cách duy nhất để Ðề Bà bắt lại con thiên nga cho nên anh ta chấp thuận. Cả hai vào hoàng cung, đến trước phụ vương và các triều thần. Mọi người tại pháp đình đều nhìn nhau cười khi họ nghe trình bày điều mà hai hoàng tử muốn. Các quần thần suy nghĩ bảo rằng: “Cả hai chúng muốn dùng thì giờ của chúng ta cho việc phân xử chỉ vì một con chim.” Nhưng đức vua nói: “Tất Ðạt Ða và Ðề Bà Ðạt Ða đều là thai tử của hoàng tộc, và trẫm vui mừng thấy cả hai mang việc tranh chấp của chúng đến cho chúng ta giải quyết. Trẫm nghĩ đó là đều rất quan trọng vì sau khi trở thành các nhà cầm quyền tương lai, chúng sẽ cần đến sự phán quyết của pháp đình này. Hãy bắt đầu phiên tòa đi”.

Rồi lần lượt mỗi hoàng tử lên trình bày về sự việc đã xảy ra. Các triều thần cố gắng phân xử để xem ai phải thì người đó có quyền giữ con thiên nga. Có vị bảo rằng “Ðề Bà bắn rơi con chim cho nên nó thuộc của Ðề Bà”. Người khác lý luận: “Tất Ðạt Ða tìm thấy con thiên nga, do đó nó thuộc của người”. Các quần thần đã bàn thảo và tranh luận khá lâu về nội vụ.

Cuối cùng, giữa pháp đình xuất hiện một ông lão già mà không ai nhớ là đã gặp ông ta từ trước bao giờ. Nhưng vì trông thấy ông rất đức độ, các quần thần đã trình bày cho ông rõ đầu đuôi câu chuyện về con thiên nga của hai hoàng tử. Sau khi nghe xong, ông lão tuyên bố: “Mọi người nam nữ ai cũng

quý trọng sự sống của mình hơn bất cứ vật thể gì khác trên thế gian cho nên, tôi nghĩ con thiên nga thuộc về người đã hết lòng cứu mạng sống cho chim, chứ không thuộc về kẻ đã cố tâm hủy diệt sự sống của nó. Hãy trao thiên nga cho Tất Ðạt Ða”.

Mọi người đồng ý rằng điều mà ông lão hiền đức nói là đúng sự thật, cho nên các triều thần phán quyết để cho thái tử Tất Ðạt Ða giữ con thiên nga. Sau đó, đức vua cố tìm gặp để ban thưởng cho ông già về ý kiến sáng suốt của ông, nhưng không thấy ông đâu cả. Nhà vua liền suy nghĩ: “Thực là điều hết sức kỳ lạ, ta chẳng rõ từ đâu ông ta đến và từ chốn nào ông đã ra đi”. Mà không ai biết cả. Ðây là một trong những sự việc bí ẩn đã xảy ra liên quan đến thái tử, cho nên nhiều người tưởng nghĩ rằng thái tử đúng hẳn là một đứa trẻ rất siêu phàm.

Cuộc Thi Chọn Phò Mã

Thái tử ngày càng lớn với tánh tình hiền hậu khiến mọi người quen biết ai cũng mến yêu. Nhưng phụ hoàng lại rất lo âu. Nhà vua nghĩ: “Tất Ðạt Ða rất hiền lành, và hay ưu tư. Ta muốn thái tử lớn lên sẽ trở thành một đại vương, và vị quốc vương nào cũng cần phải dũng lược và hùng mạnh. Nhưng thái tử lại chỉ thích ngồi trầm tư một mình trong vườn hơn là học tập để trở thành một nhà lãnh đạo quốc gia. Ta sợ rằng con ta sẽ muốn sớm rời cung điện sống đời xuất gia của những bậc ẩn tu như đạo sĩ A Tư Ðà. Nếu hành động như thế, thái tử sẽ không bao giờ trở thành một đại vương”.

Những ý tưởng này đã khiến đức vua rất phiền muộn. Ngài cho mời các quan đại thần thân tín nhất đến để vấn kế họ phải làm sao bây giờ. Cuối cùng, một trong các vị này đề nghị: “Tâu bệ hạ, thái tử chỉ ngồi và mơ tưởng đến những thế giới khác, bởi vì chưa có điều gì ở thế giới này khiến cho lòng của thái tử phải đắm say. Hãy đi kén vợ, để thái tử lập gia đình và có con; rồi người hết mơ mộng cũng như sẽ ham thích học hỏi các việc điều khiển quốc gia”.

Ðức vua nghĩ rằng đó là một ý kiến rất hay. Ngài ra lệnh tổ chức một dạ tiệc lớn tại hoàng cung. Nhiều thiếu nữ trẻ đẹp thuộc các gia đình quý phái được mời tham dự. Vào cuối bữa tiệc, ban tổ chức yêu cầu thái tử tặng quà cho từng thiếu nữ, và các quần thần chú ý xem thử cô nào thái tử tỏ vẻ ưa thích nhất.

Các thiếu nữ kiều diễm xinh đẹp tất cả đều tỏ ra bối rối khi ra mắt thái tử. Thái tử trông rất đẹp trai, nhưng có vẻ lãnh đạm đứng cạnh chiếc bàn với đầy những quà tặng đắt tiền. Các thiếu nữ từng cô rụt rè tiến lên, và e lệ nhìn xuống khi đến gần thái tử. Tất cả im lặng nhận món đồ nữ trang, chiếc vòng tay hay một tặng phẩm khác và vội vàng quay về chỗ ngồi của mình.

Sau cùng, chỉ còn lại một thiếu nữ. Ðó là công chúa Da Du Ðà La (Yasodhara), (7) con gái của vị vua nước láng giềng. Không như các tiểu thư khác, cô tỏ ra rất dạn dĩ khi đến gần cạnh thái tử. Tại dạ vũ này lần đầu tiên vị hoàng tử trẻ đã nhìn thẳng vào thiếu nữ đứng trước mặt. Cô ta rất tuyệt vời diễm lệ, khiến thái tử tức thì say đắm nàng ngay.

Cả hai đứng yên lặng trong giây lát và đưa mắt nhìn nhau. Rồi Da Du Ðà La nói: “Tâu điện hạ, quà dành cho em đâu?” Thái tử giật mình, như người tỉnh thức sau giấc chiêm bao. Thái tử nhìn xuống và thấy trên bàn không còn gì cả. Mọi quà thưởng đã tặng hết cho các giai nhân. “Ðây, em hãy nhận lấy vật này”. Thái tử vừa nói vừa cởi lấy chiếc nhẫn nơi ngón tay của mình ra. “Ðây là quà anh cho em”. Da Du Ðà La vui mừng cầm lấy chiếc nhẫn và chậm rãi đi trở về chỗ của nàng.

Các quan đại thần chứng kiến mọi việc xảy ra vội vàng đến yết kiến đức vua. Họ sung sướng thưa: “Tâu hoàng thượng hạ thần chúng tôi đã chọn được một người vợ tuyệt hảo cho thái tử. Nàng là công chúa Da Du Ðà La, con gái vua Thiện Giác (Suprabuddha) (8) nước kế cận. Chúng tôi sẽ qua thăm đức vua này ngay để lo việc xin cưới công chúa cho thái tử”.

Vua Tịnh Phạn đồng ý và không lâu sau đó đã sang viếng thăm thân phụ của Da Du Ðà La. Ông được vua Thiện Giác ân cần tiếp đón và nói: “Tôi chắc hoàng tử của đại vương là một thanh niên trẻ toàn hão, nhưng tôi không thể cho không con gái tôi cho bất cứ ai. Nhiều hoàng tử khác muốn kết hôn với nàng và tất cả họ đều là những thanh niên trẻ xuất chúng. Họ giỏi cỡi ngựa bắn cung và các môn thể thao khác. Cho nên, nếu con của Ngài muốn kết hôn với con gái tôi, thái tử sẽ phải dự cuộc thi tranh tài với những người cầu hôn khác, vì đó là tập tục của nước chúng tôi”.

Rồi một cuộc đại thi tài được tổ chức với giải thưởng là công chúa Da Du Ðà La xinh đẹp. Vua Tịnh Phạn lo lắng. Ngài suy nghĩ: “Con ta chưa bao giờ bày tỏ cho thấy có một chút gì thích thú trong các môn thể thao của người chiến sĩ. Vậy làm sao thái tử có thể thắng được trong cuộc tranh tài này?” Nhưng thái tử biết được nỗi lo lắng của phụ hoàng nên đã thưa: “Xin phụ vương đừng lo. Con đã chuẩn bị làm bất cứ gì cần thiết để chiếm giải Da Du Ðà La về phần con”.

Cuộc thi đầu tiên là bắn cung. Các thanh niên dự thi những tấm bia để bắn cách một khoảng xa, nhưng mỗi người đều đã bắn trúng đích tâm điểm trên tấm bia. Khi đến phiên Ðề Bà Ðạt Ða–vì người em bà con với Tất Ðạt Ða cũng là một trong những người cầu hôn – ông ta không chỉ bắn trúng đích mà mũi tên của Ðề Bà còn xuyên thủng qua tấm bia để rơi cắm phía bên kia. Ðám đông dự xem reo hò, nhưng Da Du Ðà La kinh hoàng nhắm mắt. Nàng nghĩ: “Làm sao Tất Ðạt Ða yêu quý của ta có thể bắn được một phát như vậy, và thật là ghê sợ nếu ta phải lấy Ðề Bà Ðạt Ða!”

Nhưng Tất Ðạt Ða rất vững tin. Tới lượt mình, thái tử để tấm bia rất xa đến nỗi phần đông người đứng xem không thể nhìn thấy nó. Rồi thái tử lấy một mũi tên từ nơi ống tên lắp vào cái cung và kéo ra sau. Tuy nhiên thái tử kéo quá mạnh đến nỗi cây cung gãy làm đôi, và người đã ném nó ra phía sau rất xa!

Thái tử yêu cầu: “Xin mang lại cho tôi cây cung khác, nhưng lần này hãy chọn cây nào rắn chắc hơn để nó khỏi bị gãy như cây cung trước”. Một vị đại thần nói lớn: “Tâu điện hạ, có một cây cung rất cổ để trong cung điện. Nó thuộc quyền của một trong các chiến sĩ anh hùng nhất thời xưa. Nhưng từ khi ông ta qua đời nhiều năm trứơc, không ai có đủ sức mạnh để sử dụng và ít người bắn với cây cung ấy.”

Thái tử nói: “Ta sẽ dùng nó”, và mọi người đều kinh ngạc. Khi thái tử cầm cây cung, người cẩn thận uốn cong và kéo giây cung dễ dàng. Thái tử đặt mũi tên vào trên giây kéo nó ra phía sau xa đến nỗi hai đầu cây cung gần chạm sát vào nhau, rồi nhắm và bắn mũi tên đi. Toăng! Tiếng kêu phát ra từ cây cung lớn đến nỗi dân chúng ở các làng xa đều nghe tiếng. Mũi tên bắn đi quá nhanh. Khiến sau khi trúng đích–ngay giữa tâm điểm tấm bia–nó đã không rơi xuống đất mà còn tiếp tục bay xa cho tới khi mất hút không còn trông thấy.

Ðám đông đứng xem vui mừng reo hò! “Thái tử đã thắng! Thái tử đã thắng!”. Nhưng bắn cung chỉ là cuộc thi đầu tiên trong ngày, cuộc tranh tài kế tiếp là thuật múa kiếm.

Mỗi thanh niên trẻ chọn một thân cây và biểu diễn sức mạnh bằng cách dùng thanh kiếm của mình chém vào thân cây ấy.

Người cầu hôn đầu tiên chặt một thân cây dày sáu in-sờ (inches) rồi chín in-sờ và lần thứ ba chỉ dùng một nhát gươm chặt vào cây dày một phút (foot).

Ðến phiên thái tử. Người chọn một cây có hai thân mọc sát canh nhau. Thái tử vung lưỡi kiếm quá nhanh đến nỗi khi nó cắt vào thân cây không ai kịp thấy. Lưỡi gươm của thái tử quá bén và bằng phẳng khiến thân cây đã chặt đứt nhưng không ngã xuống. Mà vẫn hoàn toàn giữ được thăng bằng đứng yên. Khi thấy cây còn đứng thẳng, đám đông dự xem, nhất là Da Du Ðà La Ðều la lên: “Thái tử đã thua. Lưỡi gươm của thái tử không chặt được ngay cả thân cây đầu tiên”.

Nhưng một làn gió nhẹ lướt qua và thổi các thân cây này ngã xuống. Ðám đông dân chúng trở nên vui mừng và lại reo hò: “Thái tử đã thắng cuộc”.

Cuộc tranh tài cuối cùng là thi cỡi ngựa. Một con ngựa dữ chưa ai cỡi từ trước bao giờ, được kiềm giữ bởi những người lực lưỡng, trong khi một thanh niên dự thi cố gắng leo lên cưỡi nó. Nhưng con ngựa nhảy lên và đá một cách hăng máu khiến không ai có thể ngồi lâu trên lưng nó hơn vài giây. Cuối cùng một thanh niên trẻ cố gắng giữ chặt và những người khác kiềm chế dắt con ngựa đi. Nhưng nó nhảy lên và chồm ra phía trước với sự điên cuồng, và giận dữ khiến người cỡi nó rơi xuống đất. Và con ngựa sẽ lồng lộn giẫm đạp nếu không có nhiều người nhảy xô vào kiềm giữ bắt nó đứng yên.

Ðám đông bắt đầu la lớn: “Hãy ngừng cuộc thi! Ðừng để thái tử đến gần con ngựa đó! Thực quá nguy hiểm, nó sẽ giết thái tử!”. Nhưng Tất Ðạt Ða không sợ. Thái tử suy nghĩ :

“Sự nhu hoà có thể chinh phục thú tánh hung bạo”, và chậm rãi tiến gần nắm chùm lông bờm trên đầu ngựa. Bằng giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng vừa âu yếm xoa đầu và hai bên má của con ngựa hung hăng, thái tử làm dịu cơn giận dữ, cuồng điên và sợ hãi của nó.

Con ngựa tức thì trở nên hiền lành và bắt đầu liếm bàn tay của Tất Ðạt Ða. Rồi tiếp tục thỏ thẻ nói ngọt ngào với ngựa, thái tử trèo lên lưng nó. Giữa lúc dân chúng vui mừng reo hò thái tử biểu diễn con chiến mã trước các vị quốc vương và đại thần cũng như cúi chào giải thưởng dịu dàng của mình, nàng Da Du Ðà La yêu quý. Cuộc thi tài đã kết thúc, thanh niên Tất

Ðạt Ða đã thắng! Và thái tử chứng tỏ là con người không chỉ toàn năng về sức mạnh vĩ đại, mà còn bởi đức tính hiền hòa và lòng thương bao la.

Những Cung Điện Đầy Thú Vui

Không lâu sau đó, Thái Tử Tất Ðạt Ða làm lễ thành hôn với công chúa Da Du Ðà La. Vua Tịnh Phạn mong chắc rằng con của mình sẽ không bao giờ muốn rời xa vương quốc nên Ngài đã ra lịnh cho xây dựng không chỉ một mà đến ba lâu đài tráng lệ cho cặp vợ chồng mới cưới này. Ðức vua bảo với nhà thầu khoán chính rằng: “Hãy kiến tạo chúng càng xinh đẹp càng tốt. Trẫm muốn người xây các cung điện thực vô cùng tráng lệ để khi mọi người vào trong ấy sẽ nghĩ tưởng như họ lạc vào cảnh thiên đàng.

“Trẫm muốn xây một cung điện dành cho mùa hè bằng loại đá cẩm thạch mát mẻ và bao bọc xung quanh với các hồ và suối nước trong. Thứ hai là cung điện mùa đông ấm áp và tiện nghi. Và cung điện thứ ba dành cho mùa mưa. Các lâu đài này nên thiết lập ngay giữa một công viên lớn với cảnh trí tươi đẹp nhìn từ mọi hướng. Bao quanh hoa viên là một bức tường cao để ngăn chận không có cảnh vật buồn phiền nào ở thế giới bên ngoài xâm nhập vào được trong ấy. Mọi sự vật đều thật toàn hảo để thái tử Tất Ðạt Ða sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ cung điện.”

Phụ hoàng bằng mọi cách ra lịnh cho xây cất các lâu đài mới này thực hấp dẫn lôi cuốn thái tử. Ngài đã cho tuyển mộ các nhạc công tài danh nhất trong nước vào nơi đó để trình diễn suốt ngày lẫn đêm. Tất cả những kẻ hầu hạ là các vũ nữ xinh đẹp và nhiều đầu bếp chính được chỉ bảo nên nấu dọn thường xuyên dâng cho thái tử các món ăn cao lương mỹ vị.

Nhà vua ngăn cấm đưa vào cung điện bất cứ điều gì có thể gây sự phiền muộn nơi tâm hồn thái tử khiến người muốn rời bỏ hoàng cung.

Trải qua nhiều năm thái tử Tất Ðạt Ða đã sống trong cảnh giới thần tiên này. Từ sáng đến tối, thái tử thụ hưởng hàng ngàn thú vui. Thái tử không bao giờ chứng kiến những cảnh tượng xấu xa, cũng chưa từng nghe bất cứ âm thanh nào không dịu ngọt hay êm đềm. Chẳng hạn, nếu một trong các thị nữ ốm bịnh, cô phải rời khỏi cung điện, và chỉ trở lại sau khi cô đã bình phục. Bằng cách này thái tử không bao giờ nhìn thấy cảnh bệnh hoạn hay bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng sầu não nơi tâm hồn nhạy cảm của thái tử. Nhà vua ra lịnh không ai được kể cho thái tử nghe những chuyện buồn hay phiền lụy. Ngay cả trong hoa viên khi có cây nào bắt đầu khô gãy hay tàn úa, nhân viên làm vườn tức thì cắt bỏ nó đi. Do đó, thái tử không bao giờ nhìn thấy một cành hoa héo tàn hay khô chết. Bởi vậy, thái tử không biết đến sự khổ đau và buồn phiền ở thế gian.

Thời gian qua nhanh như giấc mộng. Da Du Ðà La hạ sinh hoàng nam La Hầu La (Rahula) (9) và mọi việc diễn tiến tốt đẹp. Phụ vương rất vui mừng sung sướng thấy những kế hoạch giúp thái tử quan tâm đến cuộc sống hoàng gia đã tiến hành một cách toàn hảo. Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng Tất Ðạt Ða, mà sự ra đời của người nhằm mang lại phúc lành cho nhân loại thế gian sẽ an phận sống một cuộc đời ăn không ngồi rồi như vậy. Cuối cùng, khi gặp cơ duyên thuận tiện, thái tử sẽ khám phá ra mục đích chân thực về cuộc sống của mình.

Điệu Hát Quyến Rũ

Một chiều, sau buổi ăn tối, thái tử Tất Ðạt Ða nằm nghỉ trên giường đầu kê trên đầu gối của Da Du Ðà La. Các nhạc công đang dạo những khúc nhạc du dương và các thị nữ đang cười giỡn nói chuyện thì thầm với nhau. Buổi tối như nhiều buổi tối khác mà thái tử đã trải qua từ khi vào ở các cung điện lạc thú này. Nhưng đêm nay, thái tử thao thức không ngủ được. Quay sang một trong các nữ ca sĩ thân yêu, thái tử yêu cầu: “Hãy ca một bài để ru ta vào giấc ngủ. Nên chọn bản nhạc nào mà ngươi chưa bao giờ hát cho ta nghe từ trước đến giờ”.

Người nữ ca sĩ nhã nhặn vâng lời và ca một bài hát mới với lời réo rắt phát ra từ tâm tư của nàng, trong lúc cô ta vừa tự đàn theo. Bản nhạc cô hát diễn tả những cảnh đẹp của thế giới, các vùng đất xa xôi, nơi lúc còn là đứa trẻ cô đã đến viếng thăm; và những thành phố hoa lệ nơi dân chúng đang sống hạnh phúc.

Bài hát đã làm thái tử say mê, và khi nó vừa chấm dứt, người hỏi nàng ca sĩ: “Hãy nói cho ta biết, phải chăng thực sự có những nơi chốn đẹp đẽ bên ngoài các bức thành của hoa viên này. Dân chúng trong kinh thành đã sống những cuộc sống ra sao? Trên thế gian còn có nhiều cảnh vật hấp dẫn hơn những điều mà ta đã nhìn thấy ở trong các cung điện này? Hãy kể cho ta nghe tất cả những điều mà cô biết”.

Nàng đáp: “Tâu điện hạ, những lâu đài này hẳn nhiên là tráng lệ nhất, nhưng còn nhiều cảnh vật đẹp đẽ khác trên thế giới rộng lớn hiện nay. Có nhiều đô thị, thành phố, núi đồi và thung lũng, cũng như các vùng đất xa xôi nơi mọi người nói những ngôn ngữ xa lạ. Có nhiều điều con đã thấy, và những việc khác mà con đã nghe. Các cung điện và hoa viên của thái tử thực là đẹp, nhưng vẫn còn nhiều cảnh vật để xem bên ngoài những bức thành này”.

Nghe nói vậy, thái tử rất mong tự mình đi xem những cảnh vật khác thường và kỳ lạ đó vì nhiều năm qua, thái tử đã bằng lòng sống trong các hoa viên và cung điện đầy thú vui và hoàn toàn không biết đến thế giới bên ngoài. Nhưng giờ đây, thái tử muốn dạo chơi ra ngoài thành nên người đã gửi thư thỉnh cầu phụ hoàng tổ chức một cuộc du ngoạn ra ngoài thành của công viên.

Phụ vương nhận thư của thái tử và thầm nghĩ: “Nay con ta muốn đi xem đất nước này. Mong cho điều ấy xảy ra! Thái tử đã sống khá lâu trong các cung điện lạc thú rồi. Ðây là lúc thái tử nên ra ngoài xem vương quốc mà tương lai thái tử có thể trị vì”.

Cảnh Tượng Bất Ngờ

Vua Tịnh Phạn muốn chắc rằng con của mình trong chuyến du ngoạn ra ngoài thành sẽ không gặp thấy bất cứ cảnh tượng gì có thể gây xáo trộn nơi tâm hồn thái tử. Vì điều này sẽ khiến người quyết định rời bỏ vương quốc để theo đuổi cuộc sống ẩn tu. Cho nên trước ngày thái tử dự tính ra dạo chơi ngoài thành, đức vua phái các triều thần và quân lính đi loan báo: “Do lịnh của đức vua, ngày mai thái tử Tất Ðạt Ða sẽ viếng thăm kinh thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) (10). Dân chúng, để bày tỏ sự tôn kính, hãy trang hoàng nhà cửa, đường sá và treo đèn kết hoa rực rỡ khắp nơi. Những người già và bệnh hoạn sức khỏe yếu kém ngày mai, nên ở trong nhà. Tại kinh thành đừng để thái tử trông thấy những cảnh tượng già nua, xấu xí, cũng như không đẹp đẽ”. Và, rất từ tốn, các tên lính đã bắt những kẻ hành khất ngoài đường và mang họ tập trung về ở một nơi trong thành phố, mà thái tử sẽ không tới viếng thăm được.

Sáng hôm sau, tên hầu cận Xa Nặc (Channa) (11), sửa soạn con ngựa Kiền Trắc (Kantaka) (12) thân yêu của thái tử, và đánh xe đưa người ra khỏi các cổng thành.

Ðây là lần đầu tiên mà thái tử, kể từ khi còn là một đứa trẻ thơ, được nhìn thấy thành Ca Tỳ La Vệ, và cũng là lần đầu tiên phần đông dân chúng trong thành gặp mặt vị hoàng tử của họ. Mọi người đều vui mừng và đứng dọc theo những đường phố được trang hoàng mới mẻ để mong nhìn thấy vị thái tử trẻ đẹp.

Khi xe ngựa của người đi qua, họ trầm trồ với nhau: “Thái tử dáng người trông cao ráo và đẹp mã làm sao! Cặp mắt và vầng trán của thái tử quá sáng sủa! Chúng ta thực có phước một ngày nào đó thái tử sẽ là vua của chúng ta”.

Và thái tử cũng rất vui mừng. Kinh thành đâu cũng sáng ngời, sạch sẽ, và thái tử thấy dân chúng khắp nơi đều vui cười, hớn hở và nhảy múa. Các đường phố thái tử đi qua đều tràn ngập những cánh hoa do dân chúng hân hoan ném tung vào vị hoàng tử thân yêu. Thái tử sung sướng tưởng nhớ lại:

“Bài hát diễn tả thật đúng. Rõ ràng đây là một kinh thành rực rỡ tráng lệ và kỳ lạ!”.

Nhưng thái tử và tên hầu cận Xa Nặc đang đánh xe ngựa bất chợt nhìn thấy trong giữa đám đông dân chúng vui vẻ này có một ông lão già lưng còng với nét mặt buồn thảm. Do sự tò mò vì từ trước nay thái tử chưa từng thấy bất cứ hình ảnh nào như thế bao giờ, nên thái tử quay lại và hỏi: “Này Xa Nặc, ông già đó là ai vậy? Tại sao ông đi khom lưng và không nhảy múa như các bạn trẻ? Tại sao da mặt ông nhăn nheo và không sáng sủa như mọi người khác mà nó lại xanh mét và khô cằn? Tại sao ông lại quá khác biệt với thiên hạ?”.

Xa Nặc chỉ vào ông già đang đứng mà mọi người không ai nhìn thấy và trả lời: “Tại sao, tâu điện hạ, vì đó là một ông già”.

Thái tử hỏi: “Già? Người này luôn luôn già như vậy từ hay mới xảy ra gần đây?”.

Xa Nặc trả lời: “Tâu điện hạ, dạ không. Nhiều năm trứơc ông lão già ấy cũng trẻ và khỏe mạnh như mọi người khác mà thái tử nhìn thấy tại đây hôm nay. Nhưng sức lực của ông dần dần kém sút. Lưng ông khòm xuống, màu da nơi má đã phai nhạt, phần lớn những răng của ông đều rụng hết, và hiện nay trông ông lão già nua như vậy.”

Hết sức ngạc nhiên và buồn rầu, thái tử Tất Ðạt Ða lại hỏi: “Phải chăng chỉ có mình ông lão đó phải chịu cảnh khổ ốm đau vì sự già nua? Hay những người khác đều giống như ông?”

“Tâu điện hạ, như Ngài biết, chắc chắn rằng tất cả mọi người ai cũng phải trải qua tuổi già. Ngài, con, Da Du Ðà La, vợ của điện hạ, và La Hầu La, mọi người sống nơi cung điện – chúng ta đang già lần trong từng giây phút. Một ngày nào đó tất cả chúng ta đều trông già nua như ông lão ấy.”

Những lời nói này của Xa Nặc đã làm cho thái tử sửng sốt, khiến người ngồi im lặng rất lâu không nói năng gì. Thái tử trông như người mất hồn, sợ hãi vì bị một tia sét đánh bất ngờ. Sau cùng thái tử lại lên tiếng và nói: “Này Xa Nặc, hôm nay ta chứng kiến những điều mà ta không bao giờ ước mong được thấy. Giữa những người trẻ hạnh phúc này, cảnh tượng của sự già nua đã làm ta kinh hoàng. Thôi ngươi hãy đánh xe quay trở về hoàng cung, mọi niềm vui của ta trong chuyến du ngoạn này đã tiêu tan hết. Hãy trở về. Ta không muốn nhìn thấy gì nữa.”

Xa Nặc vâng lịnh thái tử. Khi trở về hoàng cung, thái tử đi vào cung điện mà không chào hỏi ai cả, thái tử vội vã lên lầu vào phòng riêng của mình, và ngồi im lặng rất lâu. Mọi người ngạc nhiên trước hành động lạ lùng của thái tử, và họ đều cố gắng giúp cho thái tử vui lên. Nhưng hoàn toàn thất bại. Vào bữa ăn tối, thái tử không thiết tha dùng đến thức ăn, mặc dù người đầu bếp chính đã nấu các món ăn đặc biệt cho thái tử. Thái tử cũng không còn ham muốn thưởng thức âm nhạc và xem; vũ múa mà luôn ngồi một mình suy nghĩ đến “sự già, sự già, sự già”.

Chuyến du ngoạn lần thứ 2

Vua cha được biết thái tử không mấy gì vui và ngạc nhiên về kế hoạch của mình có thể đã thực hiện sai lầm. Ðức vua suy nghĩ: “Thái tử cần đi xem nhiều cảnh nữa. Ta sẽ sắp đặt chuyến đi du ngoạn khác cho thái tử, nhưng lần này nên đưa người đến xem cảnh trí nào xinh đẹp hơn trong thành phố”.

Rồi Xa Nặc lại chuẩn bị ngựa Kiền Trắc, và cả hai cỡi xe ngựa ra ngoài thành Ca Tỳ La Vệ. Các đường phố được trang hoàng như trước, và dân chúng vui mừng nhìn thấy lại vị hoàng tử của họ. Nhưng vào dịp này, chỉ riêng thái tử Tất Ðạt Ða và Xa Nặc trông thấy một người bệnh tật hiện ra trong giữa đám đông dân chúng vui cười.

Thái tử kêu lên: “Xa Nặc, hãy nhìn kia. Người đó là ai vậy mà họ đang lên cơn ho dữ dội, với toàn thân rung chuyển và kêu rên thảm thiết như thế?”

“Tâu điện hạ, đó là một người đang đau bệnh”.

Thái tử lại hỏi: “Tại sao ông ta bị ốm đau?”

“Tâu điện hạ, người ta mắc bệnh tật vì nhiều lý do. Có thể họ dùng phải thức ăn không tốt, hoặc bị nhiễm thời tiết quá lạnh. Lúc ấy thân thể họ mất quân bình và có thể bị cảm sốt”.

“Phải chăng ngay cả những người sung sướng trong đám đông dân chúng đó cũng có thể bị đau ốm?”

Người đánh xe ngựa trả lời: “Dạ, thưa vâng. Người ta hôm nay lành mạnh, ngày mai có thể ốm đau. Không ai thoát khỏi bệnh tật”.

Lần thứ hai, thái tử vô cùng sửng sốt. Người nói: “Ta không thể hiểu nổi, làm sao một con người không phải lo lắng gì hết và sung sướng như thế lại có thể ngã bệnh bất cứ lúc nào. Thôi, ngươi hãy đánh xe quay trở về. Ngày nay ta xem như vậy là quá đủ rồi”.

Khi trở về cung điện, thái tử cảm thấy không mấy gì vui vẻ hơn lần trứơc. Không người nào có thể làm cho thái tử vui cười và thái tử không muốn nói chuyện với ai. Vua cha, sau khi thấu rõ sự bất hạnh của con mình, ông vô cùng lo lắng và phân vân: “Ta đã cố gắng bằng mọi cách để làm cho con ta hạnh phúc, nhưng cuối cùng tâm hồn thái tử vẫn chứa chan phiền muộn. Chắc ta nên tham vấn các quần thần thử xem có cách gì giúp cho thái tử trở nên lạc quan yêu đời hơn không”.

Họ khuyên lần sau, thái tử muốn dạo chơi ra ngoài thành, đừng cho thái tử đi một mình. Tốt hơn, cùng đi với thái tử nên có các nhạc công, vũ nữ và những quan lại trong triều đình. Họ cần tổ chức đến thăm một hoa viên được trang hoàng đặc biệt để tại đây thái tử có thể giải trí và bị quyến rũ bởi đủ loại các thú vui.

Do đó, khi thái tử Tất Ðạt Ða một lần nữa muốn ra ngoài thành du ngoạn mọi sự sắp xếp đã được thực hiện hầu giúp cho chuyến đi của người càng gặp nhiều điều vui càng tốt. Thành phố được trang hoàng đẹp đẽ hơn trước. Những cảnh trí buồn thảm được che giấu và một hoa viên đặc biệt được sửa soạn với tất cả màu sắc tươi vui rực rỡ.

Cảnh Tượng Sửng Sốt Cuối Cùng

Thái tử Tất Ðạt Ða và Xa Nặc lại rời cung điện bằng xe ngựa. Tháp tùng theo họ còn có các triều thần, nhạc công và người hầu cận đông đảo trông giống như một đám rước lễ. Dân chúng như trước kia, đứng dọc theo các đường phố, mắt nhìn vào đoàn diễn hành rực rỡ của hoàng gia.

Nhưng, lần thứ ba, một cảnh tượng hiện ra mà cũng chỉ một mình thái tử và người đánh xe ngựa trông thấy. Ðó là một nhóm người mặt buồn bã đang khiêng một chiếc hòm dài bên trong đặt một xác người chết có quấn bao vải trắng, xuất hiện từ trong khu nhà ở đi chậm rãi hướng xuống một con đường phố.

“Này Xa Nặc. Tại sao người đó nằm trong hòm không cử động như thế? Ông ta ngủ phải không? Tại sao các người đi theo lại than khóc? Họ mang người ấy đi đâu?”.

“Tâu điện hạ, đó là xác một người chết. Họ đang khiêng ông ta ra bờ sông để hỏa thiêu”.

Thái tử ngạc nhiên hỏi: “Nhà ngươi nói ‘chết’ là nghĩa thế nào? Nếu thân xác người ấy bị đốt, ông ta có đau đớn gì không? Này Xa Nặc, hãy giải thích điều đó cho ta hiểu”.

Và Xa Nặc giải đáp, nói cho Thái tử biết hết sự thật mà vua cha đã giấu thái tử trong nhiều năm qua: “Trứơc đây người ấy đã sống như Ngài và con bây giờ. Họ sinh ra, lớn lên như một đứa trẻ, và trở thành một thanh niên.

Ông ta hưởng thụ nhiều lạc thú và khổ đau trong cuộc đời, thành lập gia đình, đi làm kiếm sống và trở nên già nua. Rồi cơ thể cũa ông ta ngày càng yếu lần. Ông phải nằm liệt trên giường. Ít lâu sau, ông không thể nhận biết các bạn bè thân thiết nhất của mình. Sức khỏe cũa ông ta ngày càng suy yếu hơn, và rồi ông không còn hít thở được nữa. Với hơi thở cuối cùng này, năng lực cũa sự sống và cảm giác hiểu biết cũng xa lià khỏi thân xác ông. Giờ đây ông ta đã qua đời. Mọi thứ ông để lại còn nhìn thấy là cái thân xác bất động mà ông đã vô cùng chăm sóc trong lúc còn sống. Nó nằm đó lạnh cứng và không có cảm giác. Khi gia đình thân quyến hỏa thiêu thân xác ấy, ông không còn biết gì nữa; vì ông đã chết”.

“Này Xa Nặc hãy nói cho ta rõ, phải chăng rất hiếm trường hợp người ta chết như thế?” Người đánh xe ngựa trả lời: “Tâu điện hạ, không hẳn vậy đâu. Thực ra có người không bao giờ chóng già và rất ít khi họ bị đau ốm. Tuy nhiên, mọi người, không trừ ai, một ngày nào đó, tất cả đều phải chết”.

Những lời này, Xa Nặc phát biểu một cách hồn nhiên khiến cho thái tử vô cùng sửng sốt. Người hỏi một cách cuồng nhiệt: “Phải chăng ngươi muốn nói, một ngày nào đó, vợ con ta, các bạn bè và chính ta tất cả đều phải từ giã cõi đời? Và những người ta thấy hôm nay tại đây, họ ăn mặc đẹp đẽ, cũng sẽ phải nhắm mắt xuôi tay? Than ôi, thật là mê mờ làm sao cho con người ở thế gian này lại có thể vui vẻ múa hát khi biết rằng sự chết chóc đang chờ đón họ! Tại sao con người phải quá bận tâm lo nghĩ đến việc phục sức diêm dúa, thanh lịch trong khi biết rằng một ngày kia vào lúc chết thân xác của họ cũng chỉ được quấn bọc với mảnh vải trắng thô sơ?

Phải chăng con người có trí nhớ kém nên họ đã quên không biết đến sự chết? Hay là ý chí con người quá cứng rắn khiến họ không còn lo lắng suy nghĩ đến sự chết? Lại đây, Xa

Nặc, hãy quay xe lui. Ta muốn trở về hoàng cung để suy tư”.

Tuy nhiên, Xa Nặc, đánh xe đến một hoa viên đẹp đẽ. Tại đây, những ca sĩ và vũ nữ kiều diễm nhất trong cung điện đang chờ đợi cùng với các nhạc công, quần thần và một đại yến tiệc được tổ chức bởi những đầu bếp của hoàng gia. Tất cả mọi người đều niềm nở và vui mừng chào đón khi thái tử vừa bước ra khỏi xe ngựa. Nhưng thái tử đã không cười, và cũng không thốt ra một lời nào. Thái tử đang hoàn toàn suy nghĩ đến cảnh tượng mà người đã nhìn thấy trong ngày hôm đó.

Những Lạc Thú Chóng Tàn Phai

Mọi người đều cố gắng hết sức để mang lại niềm vui cho thái tử. Các cô vũ nữ tán tỉnh mong tạo nên một nụ cười trên khuôn mặt đẹp trai đầy sầu muộn của thái tử. Nhưng Tất Ðạt Ða tỏ ra không mấy chú ý đến họ. Thái tử không thể xua đuổi ra khỏi tâm trí của mình những cảnh tượng già, bệnh, và chết.

Một trong các quần thần nhận thấy thái tử không thích thú tham dự các tiệc vui linh đình được tổ chức dành riêng cho người, nên đã đến gặp thái tử. Bằng lối đùa cợt của một thân hữu, ông ta nói: “Này Tất Ðạt Ða, thực là điều không hợp lý nếu thái tử chẳng biết đến các cô vũ nữ đáng yêu xinh đẹp này, và từ chối không tham dự các tiệc vui. Hãy lại đây! Hoàng tử còn trẻ trung và đầy sinh lực, nên chính mình thụ hưởng đi chớ. Tại sao như vậy? Các thiếu nữ này không khá xinh đẹp đối với thái tử hay sao?”

Nhưng thái tử đã trả lời với ông ta bằng một giọng vừa cứng rắn và hoà dịu như tiếng sấm rền: “Nhà ngươi đã hiểu lầm ta. Không phải ta không thích nhìn ngắm những người và cảnh vật đáng yêu ở đây. Tuy nhiên khi ta nghĩ tưởng đến các vẻ đẹp sẽ chóng tàn phai và sự biến đổi vô thường của vạn vật ta không còn cảm thấy vui thú gì nữa.

“Nếu không có sự già, bệnh và chết, thì ta cũng vậy, sẽ tìm thấy nhiều lạc thú khi nhìn vào các hình ảnh đáng yêu đó. Nhưng giữa cảnh khổ đau, và biết rằng điều ấy đang chờ đợi tất cả chúng ta trong tương lai, làm sao ta có thể thỏa mản với các thú vui mà chúng sẽ nhanh chóng trôi qua?

“Này ông bạn của ta, nếu ngươi có một trái tim sắt đá hơn ta thì ngươi có thể dễ dàng thụ hưởng các thú vui ấy. Nhưng đối với ta mọi vật ta nhìn thấy đều đang bị thiêu đốt trong ngọn lửa khổ đau. Bao lâu ta chưa tìm ra con đường giải thoát sự đau khổ này thì mọi thú vui trần thế không làm sao quyến rũ ta được.”

Vì không thể nào làm cho thái tử lạc quan yêu đời, nên mọi người đều buồn bã trở về hoàng cung. Khi các quần thần báo cho phụ hoàng biết không có điều gì có thể khiến thái tử ham thích hay vui vẻ được, đức vua vô cùng lo lắng đến mất ngủ. Hoàng thượng thầm nghĩ: “Này, con yêu quý của ta, điều gì có thể giữ con ở lại với ta nơi vương quốc này? Có thú vui khác nào mà ta có thể cung cấp để con ta sẽ khỏi phải ra đi?” Với những ý tưởng lo buồn sợ rằng sẽ sớm mất vị hoàng tử độc nhất của mình, đức vua đã sống qua một đêm trong tuyệt vọng.

Buổi Thiền Quán An Lạc

Thái tử ngày càng chìm sâu trong cảnh bi quan yếm thế. Hình như người không còn ham thích điều gì nữa. Thái tử biếng lười ăn uống và kết quả là người thái tử trở nên xanh xao, gầy ốm. Hoàng thượng và mọi người đều rất phiền muộn vì những thay đổi bất hạnh này đã xảy đến cho thái tử Tất Ðạt Ða thân yêu của họ.

Ngày nọ, thái tử đến gặp vua cha và bày tỏ: “Thưa phụ vương, gần đây, tâm con luôn bị xáo trộn. Con cảm thấy bất an và xin cha cho phép con một lần nữa du ngoạn ra ngoài thành. Sự thay đổi cảnh trí này có thể giúp con an lạc”.

Vua cha đồng ý nghe theo lời yêu cầu của thái tử ngay vì nhà vua muốn thực hiện bất cứ điều gì để làm thái tử vui lòng và có được hạnh phúc.Cũng như trước đây, phụ hoàng căn dặn các quan triều thần thân tín nhất nên đi sát bên cạnh và trông chừng thái tử.

Lần này, Tất Ðạt Ða tự mình cỡi ngựa Kiền Trắc đi ra ngoài thành tìm những cảnh thôn quê xinh đẹp. Cuối cùng, thái tử tiến đến một bờ ruộng và xuống ngựa. Các quần thần đi theo sau bên cạnh. Họ cố gắng giúp thái tử vui bằng cách kể những câu chuyện vui tin tức và tin đồn nhảm nhí ở triều đình. Nhưng thái tử không thích nghe những câu chuyện tầm phào đó; nên các quần thần để thái tử ở lại một mình, rồi họ bỏ đi, chuyện trò vui vẻ với nhau.

Thái tử Tất Ðạt Ða đứng nhìn ra cánh đồng. Bác nông phu đang cày ruộng với những con bò, chim muông ca hát dưới ánh mặt trời chiếu sáng rực rỡ. Hoàng tử thầm nghĩ: “Cảnh nơi đây thật là đẹp. Các luống cày ở đồng ruộng trông giống như các gợn sóng nơi mặt hồ”.

Thái tử ngồi xuống, và lần đầu tiên tâm hồn người cảm thấy thoải mái trong giây lát. Nhưng khi nhìn kỹ hơn vào cảnh tượng trước mặt, thái tử bắt đầu nhận ra đó là những sự vật mà người chưa được mục kích trước đây. Lưỡi cày cắt đất thành luống tới đâu, thái tử trông thấy thân mình của hàng trăm côn trùng bé nhỏ bị giết chết đến đó. Thái tử nhìn thấy vô số loài sâu bọ khác bò lui bò tới hỗn loạn trong cảnh tổ ấm của chúng bị tàn phá.

Thái tử cũng nhận biết rằng chim chóc không còn hót ca vui vẻ nữa. Chúng đang liên tục tìm kiếm thức ăn, bay sà xuống để mổ gắp những con sâu sợ hãi. Và nhiều chim nhỏ hơn lo lắng sợ đàn diều hâu và các chim lớn khác đang đói ăn bay lượn vòng quanh bên trên chúng.

Thái tử chứng kiến những con bò làm việc khổ nhọc đang cố gắng kéo chiếc cày nặng nề trên thửa ruộng. Bác nông phu quất những làn roi làm phồng da đau đớn trên lưng con bò. Và người nông dân cũng lao động cực nhọc. Như loài vật, thân hình chai cứng và sạm nắng mặt trời của ông ta cũng nhễ nhại mồ hôi.

Thái tử suy nghĩ: “Ðó là vòng luân hồi khổ đau. Người nông dân, những con vật của ông ta, các loài chim chóc, côn trùng – chúng làm việc suốt ngày mong tìm cuộc sống hạnh phúc, đầy tiện nghi và có đủ miếng ăn. Nhưng kỳ thực, chúng đang thường xuyên giết chóc, tự hủy diệt mình và sát hại lẫn nhau! Ta cảm thấy quá tội nghiệp cho cuộc sống trần gian làm sao”.

Lòng thái tử ngập tràn tình thương bao la đối với những sinh vật bất hạnh này. Thái tử không muốn nhìn thấy chúng khổ đau. Người tìm đến một nơi bóng mát ngồi dưới cây hồng táo và bắt đầu chú tâm thiền định suy tưởng đến mọi cảnh vật mà thái tử đã chứng kiến. Khi thái tử quán chiếu sâu xa thấu suốt bản chất của sự khổ mà người đã thấy, tâm thức thái tử càng trở nên yên lặng và định tĩnh. Thái tử cảm thấy tâm mình hoàn toàn vắng lặng mà trước đây chưa từng có được.

Với tâm thanh tịnh, giờ đây thái tử bắt đầu quán tưởng: “Mọi chúng sanh đều mong tìm hạnh phúc. Nhưng hầu hết đều bị che lấp bởi vô minh và ái dục khiến họ thấy cuộc đời không có gì khác ngoài sự khổ đau. Sự lo âu, phiền muộn, đói nghèo, già, bệnh và chết–đây là những phần thưởng mà con người nhận lãnh trong cuộc sống trầm luân của họ!

“Giờ đây, ta đã nhận thức rõ điều đó, ta không còn thích sống trong thế giới dục lạc nhỏ bé và luôn thay đổi này. Ta phải đi tìm chân lý mà nó sẽ mang lại cho ta niềm vui và sự an lạc vĩnh cửu. Nhưng làm sao ta có thể an lòng chỉ biết tìm sự giải thoát khổ đau cho riêng mình? Ta phải tìm ra con đường cứu độ cho mọi chúng sanh khác nữa. Những người ấy đều thân thiết với ta, và họ đang quá khổ đau! Ta phải đi tìm ra con đường chấm dứt sự đau khổ này và chia xẻ sự giải thoát đó với những người khác”.

Sau buổi tọa thiền quán tâm từ bi này kết thúc, thái tử Tất Ðạt Ða liền mở mắt. Bấy giờ hiện ra trước mặt thái tử là một đạo sĩ phục sức giống như kẻ hành khất nghèo, mà từ trước nay thái tử chưa từng gặp thấy. Cặp mắt của vị đó rất hiền từ và trong sáng với khuôn mặt lộ vẽ hết sức bình an.

Thái tử hỏi: “Hãy cho ta biết ngươi là ai?”.

Vị đạo sĩ trả lời: “Ta là người cảm thấy ghê sợ trước những khổ đau của trần thế. Ta nhàm chán các thú vui dục lạc mà mọi kẻ khác đang mong tìm; cho nên giờ đây ta đi lang thang một mình. Ta đã rời bỏ ngôi nhà của ta; hiện ta sống và ngủ nơi các hang động, trong rừng hoặc bất cứ nơi nào mà ta gặp thấy. Nguồn vui duy nhất của ta là mong đạt được sự an lạc toàn hão và giải thoát cùng tột nhất”. Vừa nói xong những lời này, vị đạo sĩ như có phép lạ liền biến mất, bỏ mình thái tử ở lại với sự kinh ngạc và lòng ngập tràn niềm vui.

Thái tử thầm nghĩ: “Cuối cùng ta đã tìm thấy ý nghĩa chân thật của sự sống. Ta cũng sẽ từ giã cung điện của ta để bắt đầu đi tìm chân hạnh phúc và con đường chấm dứt mọi khổ đau”.

Với tâm nguyện dõng mãnh và ý chí cương quyết, thái tử leo lên ngựa Kiền Trắc và trở về hoàng cung.

Vua Tịnh Phạn Lo Lắng

Sau khi về đến cung điện, thái tử liền đi thẳng vào phòng của vua cha. Thái tử chấp tay lại vì theo tục lệ khi muốn thỉnh cầu một việc quan trọng, và thưa: “Con muốn trở thành người du sĩ không nhà để mong tìm ra con đường chấm dứt mọi khổ đau. Xin phụ vương, cho con được phép rời hoàng cung”.

Từ khi thái tử còn nhỏ, đức vua đã lo sợ một ngày nào đó Ngài sẽ được nghe lời thỉnh cầu khủng khiếp này. Cho nên vua cha hết sức kinh hoàng khi nghe thái tử thốt ra câu nói như vậy. Bằng giọng nói nghẹn ngào trong nước mắt, vua cha trả lời: “Con yêu quý, đừng nghĩ đến việc rời cung điện. Con đang còn quá nhỏ để có thể theo đuổi cuộc sống không gia đình của một thánh nhân. Hãy chờ tới ngày con lớn khôn. Hiện tại, con nên ở lại kinh thành Ca Tỳ La Vệ và cai trị vương quốc này”.

“Thưa phụ vương, con sẽ chỉ ở lại nơi đây, nếu cha có thể hứa giúp con đạt được bốn điều sau đây: Hãy quyết chắc rằng con sẽ không bao giờ trở nên già; con sẽ không bao giờ mắc bịnh tật; con sẽ không bao giờ chết và con sẽ không bao giờ khổ đau. Nếu phụ hoàng không thể giúp con thực hiện các điều trên, thì con sẽ phải rời cung điện ngay”.

Vua Tịnh Phạn sửng sốt khi nghe thái tử bày tỏ những ý tưởng lạ lùng này, và Ngài bắt đầu giận dữ. Ðức vua la lớn: “Này Tất Ðạt Ða, hãy quên đi những ý tưởng điên rồ đó”.

Nhưng thái tử vẫn cương quyết nói: “Thưa phụ vương, nếu cha không thể cứu con thoát khỏi những sự khổ vì cảnh già, bệnh, chết và bất an, thì cha nên để con ra đi hầu mong tìm con đường tự cứu lấy mình. Thật là vô lý nếu phụ hoàng cứ giam giữ con mãi như tù nhân ở đây”.

Tuy nhiên, hoàng thượng không muốn nghe gì nữa, và ông nổi cơn thịnh nộ, quát tháo om sòm truyền lịnh cho các quần thần: “Ðừng để thái tử vượt thành ra đi! Hãy mang quân lính đến vây kín hoàng thành!”

Xuất Gia

Thái tử Tất Ðạt Ða rời cung điện của phụ hoàng và trở về phòng của mình. Thái tử đi ngang qua các dãy phòng trang hoàng đẹp đẽ, những hành lang rực, rỡ, các vòi nước lấp lánh, và tiến vào phòng của mình ở lầu trên. Thái tử đi ngang qua giữa các nhạc công lừng danh và những thị nữ xinh đẹp. Nhưng không một cảnh trí lộng lẫy nào gây được sự chú ý nơi tâm hồn thái tử. Người chỉ có một ý tưởng duy nhất là phải vượt thành ra đi.

Ðêm ấy, sau buổi cơm tối, hình như một quyền phép lạ nào đã xâm nhập vào hoàng cung. Các nhạc công, vũ nữ và thị nữ từng người một lần lượt đều cảm thấy mỏi mệt, và nằm lăn ra ngủ say. Cuối cùng, ngay cả công chúa Da Du Ðà La cũng ngủ thiếp đi bên cạnh hài nhi La Hầu La của nàng. Thái tử nhìn vợ và đứa con thơ đang nằm ngủ và thầm nghĩ: “Ta nên ẵm con ta vào lòng lần cuối cùng trước khi ta vượt thành xuất gia nhưng làm vậy có thể khiến Da Du Ðà La thức giấc. Như thế rất khó cho ta ra đi. Không được, ta phải nhanh chóng, và yên lặng rời khỏi cung điện, trước khi bất cứ ai có thể thức dậy”.

Bước đi nhẹ nhàng giữa những thân người đang say ngủ, thái tử đến cửa sổ, trèo qua mái nhà và tuột xuống đất. Thái tử đến nơi Xa Nặc, người đánh xe ngựa đang ngủ và nhẹ nhàng đánh thức anh ta dậy: “Nhanh lên, Xa Nặc, thắng yên cương vào ngựa cho ta. Ta muốn ra đi đêm nay”.

Xa Nặc rất ngạc nhiên việc thái tử muốn vượt thành xuất gia vào giữa đêm khuya, nhưng y vẫn làm theo lời yêu cầu của thái tử. Xa Nặc sửa soạn ngựa Kiền Trắc và mang đến cho thái tử. Tất Ðạt Ða vỗ về con ngựa và khẽ nói: “Này Kiền Trắc, bạn thân của ta, chúng ta nên giữ im lặng. Ta không muốn làm thức giấc bất cứ tên lính gác nào. Ðêm nay là một đêm rất trọng đại”.

Thái tử, Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc, khi cả ba ra tới các cổng thành vững chắc gần những công viên, các cửa tự động mở ra. Họ yên lặng tiến ra ngoài thành trong đêm tối. Khi họ đến cạnh một thành phố, thái tử nhìn lui và phát nguyện: “Chừng nào ta chưa tìm ra được con đường giải thoát mọi khổ đau, ta sẽ không trở về lại kinh thành Ca Tỳ La vệ rực rỡ này!”

Cả ba đi suốt đêm. Khi mặt trời sắp mọc, họ tới một khu rừng yên tĩnh, tại đây có nhiều đạo sĩ đang ẩn tu. Thái tử sung sướng và tự nghĩ: “Giờ đây chuyến đi tầm đạo thực sự của ta mới bắt đầu”. Rồi thái tử quay sang nói với Xa Nặc: “Này Xa Nặc thân mến, ta cám ơn sự giúp đỡ của con. Ta đã tới nơi ta mong muốn. Bây giờ ta nhờ con mang con ngựa của ta trở về hoàng cung”.

Xa Nặc không tin rằng Thái tử sẽ không cùng với mình đi trở về cung điện. Cho nên anh ngạc nhiên đứng nhìn, mắt chứa chan đầy lệ. Thái tử thấu hiểu nỗi đau buồn của người hầu cận và rất dịu dàng nói với anh ta lần nữa: “Này Xa Nặc trung thành của ta, con chớ nên khóc lóc. Sớm muộn gì rồi chúng ta cũng sẽ phải chia tay. Ðây, hãy nhận giữ lấy những đồ trang sức mà ta đang dùng; ta sẽ không cần thiết đến chúng nữa. Con hãy trở về hoàng cung và báo cho phụ vương ta biết rằng ta đã không ra đi trong sự giận hờn. Không phải ta không mến yêu gia đình ta nữa. Nhưng vì quá yêu thương thân quyến hoàng tộc của ta mà nay ta đành phải tạm xa lià tất cả. Nếu ngày nào ta tìm ra con đường giải thoát, chấm dứt mọi khổ đau, ta sẽ trở về thăm quê hương. Nếu không thành công thì việc rời bỏ kinh thành của ta hôm nay vẫn phải xảy ra một ngày nào. Vì sớm muộn gì thì sự chết sẽ đến để bắt chúng ta chia lìa. Giờ đây chúng ta hãy đi để ta bắt đầu công cuộc tầm đạo”.

Xa Nặc nhận thấy rằng không làm sao có thể lay chuyển được ý chí của thái tử. Người cầm lấy giây cương ngựa Kiền Trắc từ nơi tay thái tử và chậm rãi hướng dẫn cho ngựa cất bước. Xa Nặc và ngựa Kiền Trắc nhiều lần nhìn lui thái tử với những cặp mắt đầy lệ. Cuối cùng cả hai về đến thành Ca Tỳ La Vệ, tại đây Xa Nặc có bổn phận đau buồn trong việc thuật lại cho mọi người biết rằng thái tử Tất Ðạt Ða đã vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống nơi hoàng cung.

Cuộc Tầm Đạo Bắt Đầu

Ðứng một mình trong rừng, chuẩn bị khởi đầu cho cuộc tầm đạo cao cả của mình, Tất Ðạt Ða thầm nghĩ: “Từ nay trở đi ta không còn là một hoàng tử nữa. Cho nên, thực là không thích hợp, nếu ta tiếp tục sống và phục sức như một vương tử”. Thái tử lấy dao cắt đứt mái tóc dài và óng mướt của mình, biểu tượng cho vương quyền. Rồi thái tử đến tiếp xúc, nói với người thợ săn nghèo khổ: “Này ông bạn, tôi không cần dùng các xiêm lụa là này nữa. Nếu muốn sống ẩn tu trong rừng, tôi chỉ cần mặc loại áo vải thô sơ như ông. Vậy chúng ta hãy cởi bỏ y phục ra để trao đổi”. Ông thợ săn mừng rỡ và nhanh chóng bằng lòng theo lời đề nghị của Tất Ðạt Ða trao đổi quần áo tồi tàn của mình để nhận nơi thái tử những y phục sang trọng đắc tiền.

Giờ đây phục sức như một nhà tu, khổ hạnh, thái tử Tất Ðạt Ða bắt đầu đi tìm một vị thầy có thể chỉ bày cho người con đường chấm dứt được tất cả mọi khổ đau. Thái tử du hành qua những khu rừng mong tìm gặp các thánh nhân để học hỏi đạo lý. Ngài được mọi người khắp nơi niềm nở tiếp đóan với sự kính trọng. Mặc dù thái tử mặc áo quần rách rưới và dùng thức ăn thanh đạm mà người xin được, nhưng hình dáng thái tử trông vẫn còn đẹp trai và hấp dẫn. Các đạo sĩ trong rừng khi nhìn thấy thái tử đi tới họ liền nói với nhau: “Ðây tới thêm một nhân vật rất đặc biệt. Khuôn mặt của ông ta trông sáng quắc và đầy cương quyết! Con người đó mà đi tìm Chân lý, chắc thế nào cũng chứng đạo”.

Tất Ðạt Ða tìm gặp nhiều đạo sư để học hỏi, nhưng người không thỏa mãn với những điều đã học được nơi họ. Thái tử suy nghĩ: “Những điều các đạo sĩ chỉ dạy rất bổ ích, nhưng không hướng dẫn con người đến cảnh giới hạnh phúc hoàn toàn”. Cuối cùng, thái tử hay tin có vài đạo sĩ thấu triệt chân lý đang sống ở vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) (13), dưới quyền trị vì của vua Tần Bà Sa La (Bimbisara) (14). Cho nên thái tử quyết định du hành xa về phía nam và đông để tìm gặp họ.

Ngày nọ, lúc thái tử đến thành vương xá (Rajagriha) (15), thủ đô nước Ma Kiệt Ðà, người đi ngang qua gần cổng thành. Một quan đại thần của vua Tần Bà Sa La nhìn thấy thái tử liền chạy đến gặp đức vua.

Ông nôn nóng thưa rằng: “Tâu hoàng thượng, hạ thần vừa trông thấy một đạo sĩ hết sức lạ thường xuất hiện trong thành phố. Ông ta mặc áo quần rách rưới và đến từng nhà xin thức ăn, nhưng hạ thần quyết chắc rằng đạo sĩ đó là một vĩ nhân. Khuôn mặt của người trông rất từ bi với dáng đi hết sức trang nghiêm. Và hầu như nơi đạo sĩ toả ra một ánh sáng đặc biệt.”

Nhà vua rất vui mừng cho mời đạo sĩ Tất Ðạt Ða đến gặp. Cả hai đàm luận trong giây lát, đức vua vô cùng khâm phục trước sự sáng suốt, đức tính khiêm cung và lòng từ tâm của vị đạo sĩ. Rồi đức vua nói: “Trẫm chưa bao giờ gặp một nhân vật nào mà trẫm có thể đặt trọn niềm tin vào họ hơn đạo sĩ. Xin Ngài hãy ở lại thành Vương Xá để giúp trẫm cai trị vương quốc này”.

Nhưng Tất Ðạt Ða lễ phép trả lời:“Thưa Ðại Vương, bần đạo đã có dịp cai trị một vương quốc, nhưng bần đạo đã từ chối. Bần đạo không thích sống trong cảnh phú quý và có quyền lực mà chỉ muốn đi tìm chân lý. Bần đạo cám ơn về sự dâng hiến của Ngài nhưng bần đạo đến xứ sở này chỉ mong gặp các vị minh sư có thể giúp bần đạo tìm ra chân lý”.

Rồi đức vua cúi đầu chào vị đạo sĩ mặc y phục rách rưới và nói: “Trẫm cầu chúc đạo sĩ gặp nhiều may mắn trên đường tầm đạo. Nếu ngày nào Ngài chứng ngộ được chân lý mà Ngài đang đi tìm, xin Ngài trở lại đây để chỉ dạy cho trẫm hiểu cái đạo lý ấy. Ngay cả trường hợp nếu đạo sĩ không thành công, trẫm cũng luôn luôn mong được tiếp đón Ngài trở lại kinh đô vương quốc này”.

Tất Ðạt Ða cám ơn nhà vua rất nhiều và đạo sĩ tiếp tục cuộc hành trình.

Sáu Năm Tu Khổ Hạnh

Rồi sa môn Tất Ðạt Ða đến khu rừng nơi có các đạo sĩ thông bác đang tu tập. Ðầu tiên ông học đạo với Ngài A La La (Arada)(16) và sau đó với Ngài Uất Ðầu Lam Phất (Udraka)(17). Trong thời gian ngắn, ông đều thông hiểu hết mọi điều mà các đạo sư này chỉ dạy. Nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn, và tự nghĩ: “Thầy của ta mặc dù là những đạo sư thánh thiện, song mọi lời chỉ giáo của họ vẫn không giúp con người chấm dứt được những sự khổ đau. Cho nên ta phải cố gắng tự mình đi tìm ra chân lý.”

Sa môn tiếp tục cuộc hành trình cho tới khi đến dòng sông Ni Liên Thuyền (Nairangana)(18), gần thành phố linh thiêng Ca Da (Gaya)(19). Sa môn vượt qua sông và đi vào khu rừng bên kia bờ sông. Tại đây ông gặp nhóm năm đạo sĩ đang tu tập. Cuộc sống của họ thật hết sức giản dị. Họ dùng rất ít thức ăn, sống ngoài trời, và ngồi yên tĩnh thiền định nhiều giờ mỗi ngày.

Sa môn hỏi những đạo sĩ này:“Tại sao quý vị tự hành hạ làm đau đớn thân xác mình như vậy.”

Họ trả lời: “Phần đông mọi người trên thế gian đều nuông chìu quý mến thân thể của mình, cho nên họ đang còn chịu nhiều đau khổ. Chúng tôi nghĩ rằng nếu chúng ta có thể khống chế sự đau đớn chúng ta sẽ tìm ra phương pháp khắc phục được những khổ đau”.

Sa môn Tất Ðạt Ða thầm nghĩ: “Nhiều năm qua, ta sống trong các cung điện đầy thú vui dục lạc. Ta đã quá nuông chìu thân xác của mình cho nên tâm ta không tìm thấy sự an lạc. Có thể những đạo sĩ này nói đúng. Ta sẽ tham dự cùng với họ thực hành để thử xem phương pháp này dẫn đến chấm dứt được sự khổ hay không.”

Rồi ông bắt đầu thực tập những phương cách tu hành vất vả và khó nhọc nói trên. Sa môn ngồi liên tục nhiều giờ tại một chỗ. Mặc dù chân và lưng của người rất đau đớn, nhưng ông vẫn không lay động. Sa môn tự thiêu đốt thân mình dưới ánh nắng hè cháy bỏng và làm tê cóng da thịt bởi những làn gió đông lạnh buốt. Sa môn chỉ dùng vừa đủ thức ăn để duy trì sự sống. Và cho dù khổ nhọc đến đâu, ông vẫn tự bảo: “Ta phải tiếp tục để tìm ra con đường chấm dứt mọi khổ đau”.

Năm người bạn cùng tu nhìn sa môn Tất Ðạt Ta, đầy kinh ngạc. Họ nói với nhau: “Chúng ta chưa thấy ai có quyết chí tu hành như vị này. Ông ta luôn tinh tấn và không bao giờ thối tâm. Người sắp thành công bằng lối tu khổ hạnh này sẽ là Tất Ðạt Ða. Chúng ta nên đến ngồi sát cạnh sa môn để khi người tìm ra được con đường chánh đạo, chúng ta sẽ có thể tu học với ông”.

Sa môn Tất Ðạt Ða ngày càng hành hạ thân xác mình nhiều hơn. Ban đầu ông chỉ ngủ vài giờ mỗi đêm; nhưng sau đó người chấm dứt hoàn toàn không ngủ nghỉ gì hết. Thường khi sa môn dùng mỗi ngày một bữa ăn thanh đạm, nay người cũng không ăn nữa. Ông chỉ dùng vài hạt ngũ cốc cốc và trái nạc do gió thổi vào vạt áo của người.

Sa môn ngày càng trở nên ốm gầy. Thân thể của ông mất đi vẻ đẹp trong sáng, bao phủ đầy bụi đất và bẩn thỉu. Nhìn sa môn chẳng khác gì một bộ xương đang sống. Nhưng người vẫn không từ bỏ sự tu hành khổ hạnh.

Sáu năm dài trôi qua. Khi rời cung điện và từ bỏ mọi thú vui trần tục, sa môn Tất Ðạt Ða đúng hai mươi chín tuổi. Nay ông được ba mươi lăm trải qua sáu năm tu hành khắc khổ trong sự ăn uống, ngủ nghỉ, ẩn trú và phục sức. Ngày kia, sa môn thầm nghĩ: “Nay ta có tiến gần chút nào đến mục đích tầm đạo giải thoát của ta hơn sáu năm trước chăng? Hay ta vẫn đang còn mê mờ như xưa? Khi làm thái tử sống trong cảnh giàu sang phú quý, ta thụ hưởng đủ mọi điều mà một vị hoàng tử có thể mong ước có được. Ta đã phung phí nhiều năm trong các ngục tù lạc thú đó.

“Rồi ta xuất gia đi tu và bắt đầu công cuộc tầm đạo. Ta đã sống trong rừng, các hang động và chưa gặt hái được kết quả gì ngoài sự nhịn ăn và hành hạ xác thân. Nhưng ta vẫn không tìm ra con đường chấm dứt mọi khổ đau. Giờ đây ta có thể nhận thấy đó là một sự sai lầm trong việc tự hủy hoại thân

thể của mình như thế này, chẳng khác gì sự nhầm lẫn là ta đã phí phạm nhiều thì giờ trước kia trong các cung điện hoàng gia. Ðể tìm ra chân lý, ta nên theo con đường trung đạo nằm giữa hai cuộc sống quá dục lạc, và quá ép xác khổ hạnh”.

Sa môn nhớ lại nhiều năm trứơc, sau khi nhìn thấy cảnh một người chết, ông đã ngồi thiền định dưới gốc cây hồng táo. Sa môn thầm nghĩ: “Sau lần tham thiền đó, tâm ta trở nên rất định tinh. Lần đầu tiên ta có thể sáng suốt nhìn thấy rõ ràng các sự vật. Giờ đây ta sẽ cố gắng thiền định trở lại như thế”.

Nhưng khi nhìn lại mình, sa môn nhận thức rằng: “Ta đã ngồi đây tu tập nhịn ăn trong nhiều năm hiện giờ thân ta mệt mỏi, đầy dơ bẩn và suy yếu. Ta ốm gầy đến nỗi chỉ còn da bọc xương. Làm sao ta có thể thiền định sáng suốt, quán sát sự vật khi thân mình dơ nhớp và quá đói khát”.

Sa môn từ từ đứng dậy đi xuống sông tắm. Nhưng người quá yếu sức gần như muốn ngã chìm nước. Sa môn nỗ lực cố gắng vươn mình để tiến lên bờ. Rồi Ngài ngồi trong giây lát, nghỉ ngơi.

Tín Nữ Cúng Dường

Tại ngôi làng nhỏ sát cạnh khu rừng có một anh chăn bò. Sinh sống với cô vợ tên Tu Già Ða (Sujata)(20). Nàng rất sung sướng vừa mới sinh được cháu trai đầu lòng. Cô dùng sữa thơm ngon nhất vắt từ những con bò của anh chồng để chuẩn bị nấu một bữa ăn thịnh soạn. Cô mang thức ăn vào rừng dâng cúng cho những vị thần mà cô tin rằng họ đang sống ở đó. Nàng thường hay cầu xin những thần linh này và nay muốn cám ơn các Ngài đã giúp cho cô sinh được một đứa con khỏe mạnh.

Khi vào trong rừng, cô thấy sa môn Tất Ðạt Ða đang ngồi ở đó. Thân hình của đạo sĩ trông ốm gầy và yếu đuối, nhưng nét mặt của ông vẫn trong sáng và xinh đẹp. Nàng Tu Già Ða nhìn sa môn với sự ngạc nhiên. Cô thầm bảo: “Xưa nay ta chưa bao giờ thấy nhân vật nào phước tướng như thế. Có thể Ngài chính là vua của các thần cây cối ở đây!” Và nàng mang thức ăn đặc biệt ấy đến dâng cúng cho người.

Sa môn Tất Ðạt Ða từ từ mở mắt và trông thấy bát đồ ăn để trước mặt. Người mỉm cười yên lặng nhìn Tu Già Ða, rồi đưa bát sữa lên miệng và bắt đầu uống. Nàng kinh ngạc thấy sau khi dùng sữa, sức khỏe nơi cơ thể của sa môn ngày càng tăng lên. Uống sữa xong, ông đặt bát xuống, cám ơn Tu Già Ða và nói: “Con tưởng nghĩ ta là thần linh, nhưng ta chỉ là đạo sĩ đang đi tìm chân lý. Nhờ dùng sữa con dâng cúng, ta cảm thấy khỏe lại. Nay ta tin chắc rằng ta sẽ tìm ra đạo giải thoát. Con sẽ được nhiều phước báu do hành động lành con đã làm hôm nay. Cám ơn con”.

Năm người bạn cùng tu với sa môn Tất Ðạt Ða trong rừng thấy ông nhận lấy thức ăn đặc biệt của cô Tu Già Ða. Họ rất bực mình và tự bảo nhau: “Sa môn Tất Ðạt Ta đã từ bỏ công cuộc tầm đạo. Ông ta không còn theo đuổi cuộc sống thánh thiện nữa. Hãy nhìn kia, ông tắm rửa và dùng thức ăn ngon trở lại. Làm sao chúng ta có thể chung sống với con người như vậy được? Hãy lại đây. Chúng ta nên rời khu rừng này và đến thành Ba La Nại (Benares)(21). Chúng ta có thể tiếp tục con đường tu khổ hạnh tại vườn Lộc Uyển (22) gần đó”.

Rồi họ bỏ đi nghĩ rằng sa môn Tất Ðạt Ða không còn ham thích trong sự tầm cầu chân lý nữa. Nhưng Tất Ðạt Ða lấy lại sức khỏe nhờ ăn uống, và chuẩn bị ngồi thiền để mong chứng ngộ đạo giải thoát mà người đang đi tìm trong nhiều năm qua. Ngài đứng dậy, vượt qua sông và hướng đi về nơi mà sau này được biết là cây Bồ Ðề (Giác Ngộ).

Cuộc chiến đấu vĩ đại

Giây phút mà thế gian chờ đợi giờ đây đang đến gần. Sa môn Tất Ðạt Ða, người đã từ bỏ vương quốc ra đi tìm chơn lý, hướng tiến về cây bồ đề. Trên đường đi, sa môn gặp một người đang mang cỏ tươi và sa môn xin ông ta một bó nhỏ. Ngài dùng cỏ này để lót làm chỗ ngồi.

Khi sa môn đến gần cây bồ đề, bầu trời trở nên trong lành. Cả thế giới dường như nín thở, lo lắng mong chờ biến cố trọng đại sắp xảy ra sau đó. Các nhánh cây đều cong xuống như đón chào Ngài đến ngồi dưới bóng cây giác ngộ.

Sa môn Tất Ðạt Ða đã dùng cỏ sửa soạn kỹ lưỡng làm thành một chiếc gối nhỏ để ngồi trên đó và mặt quay nhìn về hướng đông. Sa môn ngồi trong tư thế kiết già vững chắc với hai bàn tay đặt trên đầu gối. Rồi Ngài phát lời thệ nguyện đầy dũng cảm và quyết tâm: “Ta sẽ không rời khỏi nơi này cho đến chết, nếu ta chưa chứng đạo quả giác ngộ”. Các vị thiên thần trên không đều hoan hỷ nhìn xuống, chứng nghe lời thệ nguyện cao cả của sa môn Tất Ðạt Ða. Hôm ấy là ngày Rằm tháng Tư, vào lúc mặt trời sắp mọc.

Nhưng kinh sách thời xưa ghi chép rằng vào lúc ấy không phải mọi người tất cả đều vui mừng. Mà có một thế lực gọi là Ma Vương (Mara)(23), chúng rất khiếp sợ và tức giận. Vì Ma vương là danh hiệu mà dân chúng Ấn Ðộ thời cổ dùng để chỉ cho các lực lượng tội lỗi xấu ác thường quấy nhiễu tâm hồn

người mọi sự bất an và phiền não.

Cho nên, khi nhìn thấy sa môn Tất Ðạt Ða đang ngồi thiền định dưới cội bồ đề, Ma Vương rất phẫn nộ. Hắn liền kêu gọi, tập họp các con trai lẫn gái đến xung quanh, và la hét: “Này các con hãy trông kìa. Thái tử Tất Ðạt Ða đang ngồi thiền định. Nếu người thành công và tìm ra đạo lý chấm dứt hết được mọi sự khổ, thì điều gì sẽ xảy đến với chúng ta? Các con có biết chăng lúc ấy chúng ta sẽ mất hết quyền lực? Chúng ta không thể phá hại mọi kẻ khác nếu người giáo hóa cho họ biết rõ chân lý. Vì thế chúng ta cần phải đánh phá sự thiền định của thái tử, nếu không chúng ta sẽ bị tiêu diệt!”

Rồi Ma Vương cùng với các lực lượng tội ác của y đã cố gắng bằng mọi cách phá quấy sa môn Tất Ðạt Ða. Chúng tạo ra một trận bão kinh hồn với những cơn sấm sét dữ dội bủa vây quanh Ngài. Chúng thổi lên trận cuồng phong khiến cảnh vật xung quanh gần như sụp đổ. Nhưng bên dưới các nhánh cây bồ đề, mọi sự vật, được bao che nhờ thần lực thiền định của sa môn Tất Ðạt Ða, nên đều yên tỉnh.

Nhận thấy bão tố không có hiệu quả, Ma Vương liền thu tàn quân về và hét lớn: “Hãy tấn công!”. Tức thì toàn lực các đội quân yêu ma, quỷ sứ và những cảnh tượng ghê rợn hiện ra nhắm vào sa môn Tất Ðạt Ða đánh phá. Chúng ào ạt chạy đến bao vây gào thét mắng nhiếc, nguyền rủa người. Chúng bắn Ngài với những mũi tên độc hại của sự hận thù. Nhưng khi các mũi tên này bay đến thái tử, chúng biến thành những cánh hoa sen vô hại rơi xuống chân Ngài. Không điều gì có thể quấy phá tịnh tâm thiền định của sa môn.

Ma Vương suy nghĩ: “Nếu những vũ khí và cảnh tượng ghê rợn này không thể đánh phá thái tử, thì có lẽ các hình ảnh xinh đẹp, khêu gợi sẽ quấy rầy được tâm thiền định của người”. Ma Vương tức thì biến hóa những tên ma quỷ khủng khiếp thành các phụ nữ kiều diễm quyến rủ nhất. Những vũ nữ xinh đẹp mê hồn này nhảy múa trước mặt sa môn đang thiền định, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được Ngài. Kỷ niệm về những cung điện đầy lạc thú, các hình ảnh vợ con thái tử, những bản nhạc trời mê ly và thức ăn cao lương mỹ vị – không điều gì có thể phá vỡ định tâm yên tĩnh nơi con người cương quyết đi tìm chân lý này.

Ma Vương đành thua cuộc. Nhưng y cố gắng thực hiện kế hoạch cuối cùng. Ðuổi hết đồ chúng đi, Ma Vương một mình hiện ra trước thái tử. Bằng giọng nhạo báng hắn nói với thái tử: “Phải chăng ngươi là thái tử Tất Ðạt Ða tuyệt luân? Nhà ngươi nghĩ rằng mình là vị đại thiền định. Biết bao đạo sĩ thánh thiện đã thất bại trong việc đi tìm chân lý; nhưng ngươi tưởng rằng mình có thể thành công!

“Thực ngươi quá điên rồ! Ngươi không thấy rằng phải tốn biết bao nhiêu công phu mới thành tựu được cái đạo quả mà ngươi đang đi tầm cầu. Ngươi đã làm được những gì để mong đạt tới sự thành công? Trước tiên, ngươi đã thụ hưởng nuông chìu bản thân trong hai mươi chín năm. Rồi trải qua sáu năm tự hành hạ xác thân mình. Và bây giờ ngồi thiền định ở đây, người mong có thể chứng đạo quả giác ngộ.

“Thật là điên rồ! Ngươi nên chấm dứt việc tọa thiền hoặc ít ra là hãy cho ta biết ai là chứng nhân có thể quyết chắc rằng ngươi nhất định sẽ thành công trong khi những kẻ khác thất bại!”

Những lời khinh mạn này đã không lay chuyển được sa môn Tất Ðạt Ða. Từ nơi đầu gối, Ngài im lặng nâng cánh tay phải lên, đưa trước mặt Ma Vương và chấm xuống mặt đất. Ðúng vậy chính thế gian này đã làm chứng cho Tất Ðạt Ða! Trải qua vô lượng kiếp, Ngài đã xuất hiện trên cõi đời này dưới nhiều hình thức. Ngài đã tu tập hạnh bố thí, nhẫn nhục; đã thực hành hạnh từ bi không làm tổn hại các chúng sanh khác; và Ngài đã thiền định để tìm chân lý. Ngài đã hành trì các hạnh nguyện ấy có kiếp làm thân nam, khi làm thân nữ có đời hiện ra làm người giàu, khi làm kẻ nghèo luân hồi sinh tử nhiều lần. Ngài đã thành tựu mọi phước đức ấy, với tâm nguyện tìm ra con đường cứu khổ cho chúng sanh. Và thế gian này là chứng nhân của Ngài.

Ma Vương nhận thấy rằng giờ đây y thực sự đã hoàn toàn thất bại, và biến mất đi như một cơn ác mộng. Duy nhất còn lại một mình sa môn Tất Ðạt Ða. Bão tố mây mù đã quét sạch, và ánh trăng rọi chiếu sáng trên bầu trời. Không khí trở nên dịu hiền và sương mai chiếu lấp lánh trên đầu ngọn cỏ. Mọi cảnh vật như sẵn sàng.

Giác Ngộ

Sa môn Tất Ðạt Ða cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng và yên tĩnh. Dần dần Ngài quán chiếu sâu vào tự thân và trí tuệ của Ngài ngày càng sáng suốt hơn. Bằng con mắt của tâm giác ngộ, Ngài nhìn thấy biết mọi việc xảy ra trong quá khứ. Ngài khám phá ra rằng khi đời sống này kết thúc thì một kiếp sống mới lại bắt đầu. Chết chỉ là sự hủy diệt của thân xác; nhưng dòng sống của nó vẫn tiếp tục diễn tiến tồn tại để tái sinh hiện hữu trong một xác thân mới, mãi mãi luân hồi.

Ngài nhận biết rằng người nào gây nhân ác trong đời hiện tại như làm hại kẻ khác thì họ (nam cũng như nữ) sẽ nhận chịu quả báo đau khổ trong kiếp sau. Nhưng nếu ai có lòng thương mọi người thì họ sẽ gặt lấy kết quả hạnh phúc và an vui. Bất cứ hành động nào do con người gây ra sẽ không bao giờ mất, mà việc làm ấy còn gây hậu quả hạnh phúc hay khổ đau cho họ trong nhiều đời sau.

Ngài cũng khám phá nhận thấy rằng mọi kiếp sống của tất cả chúng sanh đều có tương quan, tương duyên với nhau; tâm Ngài thể nhập chân lý thâm sâu mầu nhiệm. Mặt trời, các hành tinh, những vì sao và giải ngân hà của vũ trụ tâm Ngài đều quán sát thấu rõ tất cả trong lúc thiền định. Ngài nhận biết rằng các vật thể từ hạt bụi nhỏ nhất đến ngôi sao lớn nhất đều có liên hệ với nhau. Mọi vật luôn luôn biến đổi: sanh diệt rồi lại diệt sanh. Chẳng có sự việc gì xảy ra mà không có nguyên nhân, và các nguyên nhân đều gây ra kết quả.

Rồi Ngài khám phá ra rằng thế gian là ngập tràn những khổ đau. Ngài thấy mọi chúng sanh từ côn trùng bé nhỏ đến vị vua quyền uy nhất đều chạy đuổi theo các thú vui dục lạc, và cuối cùng chỉ gặt lấy những đau khổ. Và Ngài khám phá ra nguyên nhân của mọi sự khổ. Nghèo nhận thức rằng con người không hiểu rõ là vạn vật đều vô thường. Họ không thấy được chân lý này. Do mê lầm, con người đã tranh chấp, trộm cắp và sát hại để mong chiếm đoạt những tài sản mà họ tham đắm; nhưng các của cải ấy không bao giờ mang lại cho họ nguồn hạnh phúc lâu dài. Chúng sẽ chóng thay đổi hoặc suy tàn và con người lại bắt đầu đi tìm những sản nghiệp mới.

Ngài cũng thấy rằng người đời thường chống đối những điều họ không ưa thích. Cuộc sống của họ tràn đầy sự oán ghét và hận thù. Lúc nào con người cũng nghĩ đến việc làm hại kẻ khác, để rồi sau đó họ phải nhận lãnh sự buồn đau. Từ đời này sang kiếp nọ con người tự tạo cho mình nhiều điều bất hạnh. Họ mong đi tìm sự an lạc nhưng lại gặp toàn những khổ đau. Cuối cùng, Ngài đã tìm ra con đường dẫn đến chấm dứt sự khổ. Nếu ai có thể nhìn thấy rõ ràng chân lý như chính Ngài đã thấy vào đêm hôm nay thì mọi điều chạy theo dục vọng và chịu khổ đau của họ sẽ chấm dứt. Tâm con người không còn tham lam hay sân hận. Họ cũng không làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến người khác. Do đó họ cảm thấy rất hạnh phúc. Khi hủy diệt hết sự oán thù, lòng người sẽ chứa chan tình thương và lòng yêu thương này sẽ mang lại cho con người sự an lạc và hạnh phúc mà không có gì so sánh được.

Khi sa môn Tất Ðạt Ða thấu triệt rõ tất cả những điều này, chân tâm của Ngài không còn dính mắc một chút bụi vô minh nào. Ngài đã có được ánh sáng trí tuệ tuyệt luân. Ngài không còn là một nhân vật bình thường mà là người đã hoàn toàn chứng đắc đạo quả giác ngộ. Giờ đây Ngài là một vị Phật (Buddha)(24) Ngài đã thành tựu mục tiêu của Ngài!

Với nụ cười thanh tịnh và an lạc, Ngài xuất thiền đứng dậy. Khi ấy vào lúc ban mai và mặt trời đang hừng mọc ở phương đông.

Thuyết Pháp Cho Ai

Tất cả vạn vật đều vui mừng vào buổi sáng huy hoàng ấy. Hoa tươi nở rộ khắp nơi, tỏa hương thơm ngào ngạt trong không gian. Chim chóc ríu rít hót ca, và mọi sinh vật đâu đâu cũng không còn sợ hãi. Những mống cầu vồng và mây ngũ sắc rực rỡ hiện ra trên bầu trời, và mọi người đều kinh ngạc khi nhìn thấy các hiện tượng kỳ lạ đó.

Ðức Phật với lòng ngập tràn niềm an lạc giải thoát nhất. Tâm Ngài dứt sạch hết vô minh, phiền não và cảm thấy nguồn vui bất tận. Trải qua nhiều ngày và tuần lễ, Ngài ngồi gần cây Bồ Ðề (giác ngộ) để suy tưởng về niềm vui và phúc lạc nhiệm mầu mà Ngài đã thành tựu được.

Rồi Ngài suy nghĩ: “Ta đã trải qua nhiều gian nan tu tập mới tìm ra con đường đạo chấm dứt sự khổ và trở thành một vị Phật, Ta đã tu hành khổ hạnh trong nhiều năm. Khi thấy rằng phần đông mọi người đều mê mờ và bị vô minh che lấp, ta không rõ ai là người hiểu biết được những giáo lý mà ta đã chứng ngộ. Làm sao ta có thể chỉ dạy giáo pháp ấy cho họ? Vậy tốt hơn ta nên ẩn tu một mình trong rừng cho đến mãn đời để thụ hưởng nguồn an lạc của một vị Phật”.

Nhưng rồi Ngài lại nghe tiếng nói từ nội tâm như sau: “Xin Ngài đừng quên chúng con! Chúng con là những người ở thế gian đang đau khổ. Chúng con đã mong chờ giờ phút này từ lúc Ngài mới ra đời và ngay cả trước thời gian đó. Chúng con đã hy vọng và nguyện cầu trong nhiều năm qua rằng Ngài sẽ từ bỏ cuộc đời vương giả để xuất gia hầu tìm ra con đường cứu khổ chúng sanh. Giờ đây Ngài đã chứng ngộ được giáo lý ấy, xin Ngài hãy chỉ dạy cho chúng con. Không như Ngài chúng con đang còn đau khổ”.

Nhưng từ nơi tâm của đức Phật lại dấy lên một ý tưởng khác: “Ai thực hành được giáo lý ta chỉ dạy? Ai có ý chí mạnh mẽ và đầy can đảm? Ai sẽ cố gắng hết mình và chịu đựng lâu dài?

Rồi tiếng nói tiềm ẩn lại vang lên: “Kính bạch đức Thế Tôn hẳn đúng là tâm chúng con đã bị màn vô minh che lấp. Nhưng vẫn có những người không đến nỗi quá mê lầm. Họ có thể hiểu biết, thực hành theo giáo lý của Ngài. Vì hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, xin Ngài từ bi chỉ dạy giáo pháp chân thật ấy cho chúng con!”.

Ðức Phật mỉm cười và bảo: “Dĩ nhiên, dĩ nhiên, Ta sẽ chỉ dạy. Lý do duy nhất khiến ta đã từ bỏ cuộc đời vương giã là mong đi tìm con đường cứu khổ cho nhân loại. Nay Ta đã thành Phật, Ta sẽ làm bất cứ điều gì Ta có thể.

Nhưng ngay cả đức Phật cũng không thể dứt trừ hết nỗi khổ cho những kẻ khác nếu họ không nỗ lực tự mình cứu độ. Con người cần phải biết ngăn ngừa bệnh tật trước khi vị bác sĩ có thể chữa lành bệnh cho họ. Cũng thế họ nên chịu khó lắng nghe giáo pháp chân thật trước khi kẻ khác có thể giúp họ. Nhưng bất cứ ai tìm đến Ta với tinh thần rộng mở sẽ nhận thấy rằng Ta luôn sẵn sàng bằng mọi cách chỉ giáo cho họ”.

Rồi đức Phật thầm nghĩ: “Ai trong số những người trên thế gian này ta nên giáo hóa trước tiên? Người nào sẵn sàng nhất?” Ngài liền tưởng nhớ đến ông A La La (Adrada) và Uất Ðầu Lam Phất (Udraka) là hai đạo sư mà Ngài đã gặp sáu năm trước đây. “Họ là những người ta nên chỉ giáo trước, nhưng ta biết rằng nay họ đã từ trần và không còn ở thế gian này nữa”.

Ðức Phật lại nhớ đến năm người bạn cùng tu khổ hạnh với Ngài ở trong rừng. Ngài tự nghĩ: “Họ sẵn sàng có thể hiểu rõ chân lý Ta sẽ thuyết giảng cho họ trước tiên”.

Ngài biết rằng Ngài sẽ gặp những người bạn này ở vườn Lộc Uyển gần thành Ba La Nại, một thánh địa thiêng liêng nhất của Ấn Ðộ thời cổ. Ðức Phật thầm bảo: “Ta sẽ đến đó, và bắt đầu công việc giảng pháp mà Ta quyết định sẽ làm”.

Bài Pháp Đầu Tiên

 Đường tới thành Ba La Nại khá xa, đức Phật đi chậm rãi xuyên qua các làng mạc và ruộng đồng. Mọi người đều chú ý đến Ngài. Hình dáng Ngài trông uy nghi, hảo tướng với bước đi trang nghiêm và khoan thai. Thoạt nhìn gặp đức Phật dân chúng đều cảm thấy an lành và hạnh phúc. Ngài nói giọng từ tốn và hiền hòa với những ai Ngài gặp. Bất kể người giàu hay nghèo, thông minh hoặc ngu dốt, cao sang hay thấp hèn, đức Phật đều đối xử với họ một cách bình đẳng với sự kính mến và lòng thương bao la.

Cuối cùng, đức Phật đến vườn Lộc Uyển. Từ xa, năm người bạn cũ thấy Ngài đang đi tới. Họ thầm bảo với nhau: “Kìa, ông Tất Ðạt Ða bất tài vô dụng nay lại tới đây. Chúng ta khỏi cần tiếp đón con người nhu nhược ấy! Hãy mặc kệ đừng biết đến ông ta”.

Nhưng khi đức Phật tiến lại gần, mọi người đều nhận thấy nơi Ngài có những tướng hảo rất đặc biệt. Cho nên ban đầu họ có ý không muốn nghinh tiếp, nhưng sau tất cả đều tự động đứng dậy chào đón Ngài. Với lòng đầy tôn kính, họ sửa soạn chỗ ngồi nâng giữ chiếc y của đức Thế Tôn, mang nước lại cho Ngài và nói: “Hoan nghênh Ngài Tất Ðạt Ða đến vườn Lộc Uyển. Chúng tôi hân hạnh được Ngài đến tu học với chúng tôi tại đây”.

Ðức Phật đáp lại: “Này các đạo sĩ, Như Lai cám ơn tâm thành đón tiếp của quý vị. Nhưng quý vị nên biết rằng nay Ta không còn là thái tử Tất Ðạt Ða nữa cho nên không đúng chút nào nếu các người gọi ta bằng tên đó”.

Các đạo sĩ hỏi: “Vậy chúng tôi nên gọi Ngài với danh xưng gì?”.

Ðức Thế Tôn dạy rằng: “Toàn thế giới đều chìm đắm trong vô minh. Nay. Khi một người đã khám phá ra chân lý, họ không còn sống trong mê lầm nữa. Nay Ta đã giác ngộ và tìm ra chân lý. Tất cả các đấng Giác Ngộ được gọi là Phật”.

Rồi năm vị đạo sĩ với lòng tôn kính thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, xin Ngài hãy chỉ giáo cho chúng con những điều Ngài đã hiểu biết để chúng con cũng được giác ngộ như Ngài”.

Và để đáp lại lời thỉnh cầu của họ, đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên. Nó được gọi tên là: “Chuyển Bánh Xe Pháp” và “Pháp” (Dharma) là chân lý mà Ngài đã chứng ngộ. Ngài bắt đầu thuyết giảng: “Này các sa môn, quý vị nên biết rằng có bốn Chân Lý Vi Diệu. Một là Chân Lý về Sự Khổ. Cuộc sống là ngập tràn những khổ đau như già, bệnh chết và bất hạnh. Mọi người luôn chạy đuổi theo các dục lạc, nhưng cuối cùng chỉ thấy khổ đau. Ngay khi đạt được thú vui thì họ cũng nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì điều lạc thú ấy. Không có nơi nào con người tìm thấy sự thỏa mãn thực sự hay an lạc hoàn toàn.

Hai là Chân Lý Cao Siêu về Nguyên Nhân của Sự Khổ. Khi tâm chúng ta chứa đầy lòng tham và dục vọng chúng ta sẽ gặp mọi điều đau khổ. Chẳng hạn một người giàu bo bo giữ của, tánh keo kiết ấy sẽ mang lại cho y sự khổ đau mà thôi.

  “Thứ ba là Chân Lý Cao Siêu về Sự Chấm Dứt Sự Khổ. Khi tâm chúng ta đoạn diệt hết lòng tham và dục vọng, sự khổ sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ cảm thấy an lạc và hạnh phúc không lời nào diễn tả được.

Sau cùng, bốn là Chân Lý Cao Siêu về Ðạo Diệt Khổ. Ðây là con đường dẫn đến sự chấm dứt hết mọi khổ đau. Nếu chúng ta giữ gìn không sát hại tất cả những chúng sanh, nếu chúng ta biết điều phục tu sửa tâm tánh, và nếu chúng ta đạt được trí tuệ, mỗi chúng ta có thể đạt tới sự an lạc hoàn toàn, chấm dứt mọi khổ đau”.

Sau khi nghe bài pháp này, năm vị đạo sĩ cảm thấy vô cùng hạnh phúc như họ tìm thấy được kho vàng vĩ đại. Tất cả đều nói: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài thực sự đã chứng ngộ chân lý. Xin Ngài chỉ dạy cho chúng con con đường đạt tới trí tuệ cùng tột và sự an lạc hoàn toàn. Chúng con nguyện làm đệ tử theo Ngài”.

Ðược biết rằng vào lúc ấy, nhiều vị thiên thần cũng nghe được bài pháp đầu tiên này nên đã bay xuống trần gian và thốt lên: “Ðức Thế Tôn đã bắt đầu chuyển bánh xe pháp. Nguyện cầu thế giới nhân loại tất cả đều hưởng phúc lạc”.

 Nỗi Khổ Đau Của Bà Mẹ

     Ðức Phật đã dùng nhiều phương pháp để giáo hóa. Ðối với hạng người bình dân và thiếu nhi, Ngài chỉ giáo bằng cách kể cho họ nghe những mẩu chuyện đạo. Ðối với hạnh người khá thông minh, Ngài giảng dạy giáo pháp với sự giải thích tường tận. Và có những người Ngài giáo huấn bằng sự im lặng không nói lời nào. Nhưng có lẽ, bài pháp có khả năng giáo hóa mạnh mẽ nhất là tấm gương sáng và chính cuộc sống đạo đức của Ngài. Ðức Phật luôn luôn hành động với tâm rộng lượng và lòng từ bi. Ngài kiên nhẫn giáo hóa cho nọi Chúng Sanh, ngay cả đối với hạng người dốt nát và điên cuồng nhất.

Chẳng bao lâu, rất nhiều người đã ngưỡng mộ đi theo và trở thành đệ tử của đức Phật. Nếu thiện nam tín nữ nào gặp phải điều gì khó khăn phiền muộn, họ liền tìm đến gặp đức Thế Tôn để nhận sự chỉ giáo của Ngài. Ngày nọ, thiếu phụ Gô Ta Mi (Gotami) có đứa con vừa mới mất. Nàng quá đau khổ đến nỗi trở nên điên dại. Cô ta đi khắp nơi mong tìm vị thầy có thể cứu cho con của cô sống lại. Các bạn bè xót thương bảo rằng: “Này Gô Ta Mi, cô nên tìm gặp đức Phật. Hy vọng Ngài có thể cứu giúp cô được”.

Rồi Gô Ta Mi ôm chặt đứa con trong lòng đến trước đức Phật khóc than, bạch rằng: “Xin Ngài từ bi cứu giùm cho bé trai của con được sống lại”. Với giọng nói hiền hòa, Ngài đáp: “Này Gô Ta Mi, Ta có thể giúp con, nhưng trước tiên, mong con đi kiếm mang về cho Ta một hạt cải nhỏ. Và hạt cải ấy phải thuộc gia đình nào từ trước nay chưa có ai qua đời”.

Gô Ta Mi vội vàng đi tìm hạt cải. Nàng đến hỏi một nhà nọ, và được thiếu phụ ở đó trả lời: “Cô có thể tìm thấy hạt cải và bất cứ vật gì cô muốn. .. . Nhưng xin cô biết cho rằng chồng tôi mới mất năm ngoái”.

Gô Ta Mi liền nói: “Ồ! Vậy thôi, để tôi đi nơi khác”. Rồi nàng sang nhà bên cạnh.

Nhưng bất cứ nhà nào nàng đến hỏi thăm cũng được thân nhân trong các gia đình ấy trả lời giống nhau như vậy. Mọi người đều muốn giúp Gô Ta Mi, nhưng nhà nào nàng đến viếng thăm cũng đều có người đã qua đời. Người này nói: “Ðứa con gái tôi mất ba năm trước”. Kẻ khác bảo: “Hôm qua anh tôi vừa mới chết”. Nhà nào cũng cho biết y hệt như thế cả.

Cuối ngày, nàng trở về gặp đức Phật. Ngài hỏi: “Thế nào Gô Ta Mi, con tìm có hạt cải không? Và đứa con của con đâu rồi? Con không mang nó theo nữa sao?”.

Nàng đáp: “Bạch đức Thế Tôn, hôm nay con nhận biết rằng không riêng mình con có người thân mất. Mà khắp nơi ai ai cũng đều phải chết. Con cảm thấy thực là điên rồ làm sao khi nghĩ rằng con có thể có được đứa con sống lại. Giờ đây con đành chấp nhận sự lìa đời của cháu bé và chiều nay con đã đem chôn nó. Nay con trở lại và xin Ngài chỉ dạy giáo pháp cho con. Con sẵn sàng để lắng nghe”.

Ðức Phật dạy: “Này Gô Ta Mi, hôm nay con đã học hỏi được nhiều điều. Sớm muộn gì rồi sự chết cũng phải đến với mọi người. Nhưng nếu con hiểu rõ chân lý, con có thể sống và chết trong an lạc. Hãy lại đây, Ta sẽ chỉ giáo cho con”. Rồi Ngài đã thuyết giảng giáo lý cho Gô Ta Mi nghe, và chẳng bao lâu, nàng tìm thấy sự an lạc và hạnh phúc mà trước đây nàng chưa từng biết đến.

Con Người Thô Lỗ

     Ngày nọ, đức Phật đi ngang qua một ngôi làng. Một thanh niên trẻ giận dữ và thô lỗ đến gần mắng nhiếc Ngài. Hắn la lối: “Ông không được thuyết giảng cho người khác. Ông cũng ngu dốt như bất cứ ai. Ông là kẻ đạo đức giả.”

Ðức Phật đã không buồn giận khi nghe những lời nhục mạ này. Ngài ôn tồn bảo người thanh niên: “Ta hỏi ngươi, nếu ngươi mua một món quà tặng cho người nào đó, nếu người ấy không nhận thì vật biếu kia thuộc về ai?

Tên vô lễ ngạc nhiên trước câu hỏi lạ lùng như thế và trả lời: “Món quà đó thuộc về tôi vì tôi đã mua nó”.

Ðức Phật cười và bảo: “Ðúng vậy. Sự mắng nhiếc của người cũng giống như thế. Nếu ông sân giận chửi bới tôi, nhưng tôi đã không nhận lãnh điều đó thì sự mạ nhục kia sẽ trở lại nơi ông. Rồi chính ông là người bất hạnh chứ không phải tôi. Tất cả những hành động xấu ác ông làm sẽ gây tai hại cho ông.

Nếu ông muốn chấm dứt việc tự làm hại chính mình, ông phải đoạn diệt tâm sân hận và nên mở rộng lòng thương. Khi ông thù ghét kẻ khác, chính ông sẽ đau khổ. Nhưng khi ông yêu thương mọi người, tất cả đều hạnh phúc”.

Người thanh niên lắng nghe những lời dạy sáng suốt này của đức Phật. Ông ta thưa rằng: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài nói rất đúng. Xin Ngài hãy chỉ dạy cho con giáo lý của đạo từ bi. Con muốn làm đệ tử của Ngài”.

Và đức Phật đáp: “Lẽ tất nhiên. Ta sẽ chỉ giáo cho bất cứ ai thực tâm muốn tu học. Con hãy đến với Ta”.

Những Lời Tán Dương

Chẳng bao lâu, đức Phật có một số đông tín đồ và đệ tử đi theo Ngài từ nơi này đến nơi khác. Ngày nọ, một đệ tử tới gặp Ngài và thưa: “Bạch đức Thế Tôn, Ngài thực đúng là một trong những vị giáo chủ vĩ đại nhất chưa từng thấy!”

Ðức Phật không cảm thấy vui thích khi nghe lời tâng bốc này. Nhưng Ngài lại hỏi người đệ tử: “Con đã gặp tất cả các vị đại giáo chủ xuất hiện trên thế giới này chưa?

Ông ta đáp: “Thưa Ngài dĩ nhiên là chưa”.

Và con có biết hết tất cả các vị đại sư hiện đang sống và sẽ ra đời trong tương lai không?

Người đệ tử trả lời: “Bạch Ngài, dạ không”.

Ðức Phật dạy: “Như vậy, thực là điều điên rồ khi con bảo Ta là vị giáo chủ vĩ đại nhất trong tất cả. Vì làm sao con biết rõ được điều ấy là đúng hay sai”.

Vị đệ tử lại đáp: “Bạch Ngài, con muốn tán dương Ngài, vì giáo pháp của Ngài là quá cao siêu và hữu ích”.

Ðức Phật dạy tiếp: “Nếu con nhận thấy giáo lý của Ta là bổ ích, điều tốt nhất là con nên thực hành theo. Ðừng phí công khen ngợi Ta. Mục đích duy nhất Ta ra đời là nhằm giáo hóa cho mọi chúng sanh. Nếu con muốn làm cho Ta vui, con nên nghe theo lời Ta dạy. Ðiều này sẽ khiến Ta hoan hỷ hơn là việc con tán dương Ta.”

Lần khác, đức Phật hỏi vị đệ tử: “Khi con mua một món đồ nữ trang, con có trả tiền mà không thử trước không?”

Người đệ tử trả lời: Dạ thưa Ngài, dĩ nhiên là không. Vì nó có thể là đồ giả và như thế là con sẽ bị mất tiền”.

Ðức Phật dạy tiếp: “Giáo lý của Ta cũng giống như vậy. Con đừng tin vào lời Ta thuyết giảng là đúng, chỉ đơn giản vì Ta đã nói điều ấy. Tốt hơn, con nên thực hành những lời dạy của Ta để biết rằng chúng là đúng hay sai. Nếu con nhận thấy giáo pháp của Ta là phù hợp với chân lý và hữu ích, thì con cố gắng làm theo. Nhưng con đừng thực hành chỉ vì con kính trọng Ta.

Con cũng không nên chỉ trích giáo lý của các tôn giáo khác và bảo rằng chúng là không tốt. Trên thế gian còn nhiều vị đại giáo chủ khác, và tất cả đều giúp ích cho nhân loại theo sự chỉ dẫn riêng của họ. Con đừng chê bai bất cứ tôn giáo nào. Bởi đó không phải là công việc của con. Ðiều con nên thực hành là làm sao để có được hạnh phúc và giúp những kẻ khác cũng hạnh phúc như con”.

Bằng cách đó đức Phật đã dạy cho các đệ tử của Ngài là nên phản tỉnh, tự xét bản thân mình, ăn ở tốt với tất cả và kính trọng mọi người.

Lòng Thương Yêu Loài Vật

     Vào thời đó tại Ấn Ðộ dân chúng thường hay giết súc vật để cúng tế cho các thần linh. Họ tin làm vậy sẽ khiến các thần linh hoan hỷ. Rồi những vị thần sẽ ban cho dân chúng mọi điều họ cầu nguyện như sự giàu sang hoặc những cơn mưa cho các vụ mùa của họ.

Ðức Phật, bất cứ đến đâu, Ngài cũng dậy bảo cho dân chúng biết rằng thực là điều sai lầm khi người ta giết hại súc vật để cúng tế. Một vài người nghe Ðức Phật thuyết giảng như vậy, họ tức giận và nói: “Kinh sách của chúng tôi đã dậy rằng giết súc vật để dâng cúng cho các thần linh là việc làm chân chính. Tại sao Ngài dám nói khác đi?”.

Và Ðức Phật đã trả lời: “Thực là điều sai lầm khi bảo làm người khác đau khổ để  các bạn có hạnh phúc. Mọi chúng sanh ai cũng ham muốn sự sống như các bạn. Cho nên nếu các bạn sát hại loài vật tức là các bạn đã sống ích kỷ. Và Ta đã dậy nhiều lần rằng người nào sống ích kỷ, kẻ đó sẽ gặp khổ đau trong cuộc đời.

Lại nữa, bất cứ thần linh nào đòi uống máu tươi của sinh vật khác rồi mới phù hộ cho các bạn thì đó không phải là vị thần toàn thiện. Và thần linh ấy không xứng đáng cho người ta kính lạy. Nhưng nếu các bạn thể hiện được tình thương và lòng tốt đối với mọi chúng sanh – loài vật cũng như con người – thì ngay chính các thần linh vẫn phải tôn sùng các bạn”.

Nhiều người trong dân chúng nghe những lời dậy đầy trí tuệ này của đức Phật, đều nhận biết rằng các điều ấy là đúng với sự thật. Tức thì họ từ bỏ tập tục giết hại các thú vật. Nhờ vậy mà nỗi đau khổ lớn lao của chúng được chấm dứt.

Năng LỰc CỦa Lòng TỪ Bi

     Ðức Phật đã không quên lời hứa với vua Tần Bà Sa La là sẽ trở về giảng pháp cho ông ta. Rồi khi thời cơ đến, Ngài đã trở lại thành Vương Xá. Bên ngoài kinh thành này có một ngọn đồi gọi là “Kỳ Xà Quật” hay “Núi Hình Chim Kên” (Vulture’s Peak) (25) và Ðức Phật cùng với các đệ tử của Ngài đã tới ẩn tu trong những hang đá tại đó.

Vua Tần Bà Sa La thường lên đỉnh núi ấy để nghe Ðức Phật thuyết pháp. Dân chúng trong thành cũng tới đó, và chẳng bao lâu số tín đồ theo Ngài rất đông. Sau một thời gian Ðức Vua và nhiều nhà phú hộ khác đã hỷ cúng cho Ðức Phật và các đệ tử của Ngài những công viên và tại đây mọi người có thể ở lại thoải mái để nghe giáo pháp của đức Thế Tôn.

Ðề Bà Ðạt Ða người em bà con với Ðức Phật lấy làm ganh ghét. Ông ta thầm nghĩ: “Ðức Phật có nhiều tín đồ theo, và mọi người đều sùng kính Ngài. Nhưng tất cả không ai biết tới mình, mặc dù ta cũng vĩ đại như Ðức Phật. Vậy ta phải tiêu diệt ông ta!”.

Ðề Bà Ðạt Ða biết rằng ông cần có người giúp đỡ để giết Ðức Phật cho nên ông đến gặp thái tử con vua Tần Bà Sa La (26).Ông ta hỏi: “Này, thái tử không thích làm vua sao? Do đâu mà phụ hoàng của nhà ngươi có tất cả sự phú qúy và quyền lực? Hãy theo ta, nếu ngươi giúp ta ám sát Ðức Phật, ta sẽ giúp nhà ngươi giết vua cha. Rồi ngươi có thể thay thế ông ta lên làm vua”.

     Người con vua Tần Bà Sa La đồng ý nghe theo những lời khuyên ác độc này. Rồi cả hai người đã cố gắng tìm mọi cách để ám hại Ðức Phật. Ngày nọ, trong khi đức Thế Tôn đang ngồi thiền định gần đỉnh núi Chim Kên, bọn họ đẩy một tảng đá lớn rơi xuống đồi hướng về Ngài. Nhưng khi vừa sắp trúng

đè nát Ðức Phật, hòn đá bể làm đôi nên không làm hại được Ngài.

Hôm khác, Ðức Phật đang đi khất thực trong thành Vương Xá với các đệ tử thân tín nhất của Ngài. Cả hai kẻ thù của Ðức Phật biết Ngài sắp đến gần nên họ chuẩn bị sẵn sàng. Họ mua một con voi và cho nó uống nhiều rượu. Khi con voi say mèm, họ dùng gậy đánh đập cho đến khi nó trở nên giận dữ  điên cuồng. Rồi hai người thả cho voi chạy về hướng Ðức Phật và mong rằng nó sẽ chà đạp giết chết Ngài.

Khi các đệ tử Ðức Phật trông thấy con voi điên lồng lộn hướng tiến về phía họ, tất cả đều sợ hãi bỏ chạy. Những đệ tử, ngoại trừ Ðại Ðức A Nan (Ananda)(27), người hầu cận Ðức Phật, vẫn đứng bên cạnh vị thầy của mình và ôm chặt lấy chiếc y của Ngài.

Khi Ðức Phật thấy voi đến gần, và thay vì sợ hãi hay tức giận, Ngài bày tỏ lòng xót thương vô bờ đối với con vật khốn khổ. Con voi mặc dù đã say và điên dại, nó vẫn cảm nhận được thần lực về lòng từ bi của Ðức Thế Tôn. Nó ngừng lồng lộn tấn công và hiền lành đến gần đức Phật rồi hạ cúi sát chiếc đầu lớn xuống dưới chân Ngài.

Ðức Phật dịu dàng vỗ về con voi say và quay lại dạy bảo đức A Nan: “Duy nhất chỉ có tình thương mới diệt được hận thù. Sự thù hận không thể chấm dứt bằng lòng hận thù. Ðây là bài học quan trọng mà con nên nhớ.”.

TrỞ VỀ

      Ngày kia, Ðức Phật nói với các đệ tử của Ngài: “Ðã đến lúc Ta sẽ trở về Ca Tỳ La Vệ, kinh thành của thân phụ ta”. Và tất cả môn đồ bắt đầu chuyến đi dài về thăm quê hương ấu thời của Ðức Phật. Tin Ngài sắp về lan nhanh tới kinh thành và mọi người đều vui mừng, sung sướng. Họ nói với nhau: “Thế nào rồi vị hoàng tử thân yêu của chúng ta cũng sẽ trở về! Giờ đây người là bậc đại sư với hàng ngàn tín đồ. Thực qúy hóa làm sao khi chúng ta gặp lại thái tử!”.

Vua Tịnh Phạn vui mừng khôn xiết khi nghe tin con mình trở về. Nhà vua biết rằng Ðức Phật có nhiều tín đồ nên ông ta thầm nghĩ: “Con ta đã trở thành đấng giáo chủ vĩ đại. Thái tử đã mang lại cho ta nhiều vinh dự”.

Nhà vua không thể chờ Ðức Phật đến, cho nên đã phái một cận thần cỡi ngựa đi trước để xem thái tử như thế nào sau nhiều năm xa cách. Hôm sau, ông đến nơi Ðức Phật và các đệ tử của Ngài đang ở. Tất cả đều mang bình bát bằng gỗ. Họ vào trong làng đi khất thực từ nhà nọ qua nhà kia. Rồi các Sư

trở về nơi mình đang cư ngụ để cùng nhau thọ trai trong im lặng.

Vị cận thần trở về thành Ca Tỳ La Vệ và trình báo cho nhà vua biết mọi chuyện. Ðức vua giận dữ hét lên: “Con ta, một vị hoàng tử, nay trở thành kẻ ăn xin! Ta cảm thấy nhục nhã. Ta phải chấm dứt điều này ngay tức khắc!”

Vua Tịnh Phạn liền cỡi ngựa ra ngoài hoàng cung và đến nơi thái tử đang ở.  Khi nhìn thấy Tất Ðạt Ða gìơ đây là một vị Phật sáng chói, xung quanh có hàng nghìn đệ tử, nhà vua vô cùng xúc động. Gặp gỡ cả hai thân thiết mừng rỡ đón chào nhau. Rồi đức vua hỏi thái tử: “Ta nghe nói mỗi sáng con mang bình bát đi xin ăn, có phải thế không?”

Ðức Phật trả lời: “Vâng, đúng vậy. Ði khất thực là truyền thống của chúng tôi.

Nghe vậy, nhà vua càng nổi giận hơn trước. Ông quát lớn: “Truyền thống của chúng tôi? Con xuất thân từ dòng dõi nhiều đời vua, họ không bao gìơ đi xin ai bất cứ vật gì để sống. Phong tục của chúng ta là dùng thức ăn để trong các dĩa vàng và bạc, chứ không phải nơi những bình bát đơn sơ bằng gỗ. Truyền thống của chúng tôi mà con muốn nói đến nghĩa là gì?”

Ðức Phật ôn tồn đáp: “Thưa phụ vương, thân phụ xuất thân từ dòng dõi các vua chúa. Ðúng như thế. Nhưng con xuất thân từ những bậc đại sư, các Ðức Phật trong qúa khứ. Những vị tôn sư này rất là bình dị. Họ xin nhận thức ăn từ bất cứ ai họ gặp. Khi con bảo truyền thống của chúng tôi là đi khất thực, con muốn nói đó là truyền thống của chư Phật”.

Rồi Ðức Phật nắm lấy tay phụ vương và cùng đi với người một lúc lâu. Ngài thuyết giảng cho đức vua nghe về bài pháp Tứ Diệu Ðế và con đường dẫn đến chấm dứt sự khổ. Sau một thời gian dài nghe Ðức Phật giảng pháp, vua Tịnh Phạn nói: “Ðúng vậy, con hôm nay thực qúa cao qúy hơn hẳn một vị hoàng tử con của ta ngày trước. Như đạo sĩ A Tư Ðà tiên đoán con khi còn là một hài nhi là sau này con sẽ trở thành một Ðại

giáo chủ. Ta xin cúi đầu đảnh lễ  con, một vị Phật. Xin Ngài hãy chấp nhận cho tôi, người đã có lần muốn Ngài lên ngôi vua, làm một trong các đệ tử của Ngài”.

Ít lâu sau, vợ Ðức Phật, nàng Da Du Ðà La; con của Ngài, La Hầu La; bà di mẫu (Ma Ha Ba Xà Ba Ðề) người đã nuôi nấng Ðức Phật, và nhiều mệnh phụ phu nhân khác trong cung điện cũng đều yêu cầu được làm đệ tử đức Thế Tôn. Họ bạch với Ðức Phật: “Chúng con rất buồn khổ khi Ngài cỡi ngựa vượt thành xuất gia những năm về trước. Nhưng giờ đây đức Từ Phụ đã mang lại cho chúng con nhiều nguồn vui với tâm an lạc nhờ chúng con thấu hiểu giáo lý chân thật của Ngài. Chúng con rất vui mừng thấy rằng Ngài đã giã từ chúng con xưa kia để hôm nay trở về làm một vị Phật”.

Nhà Vua Và Ông ThẦn Cây

      Vào lúc ba mươi lăm tuổi, đức Phật thuyết pháp cho những ai có duyên thích nghe. Trong bốn mươi lăm năm còn lại, Ngài đi khắp Ấn Ðộ giáo hóa giúp cho tâm hồn mọi người được an lạc. Thỉnh thoảng khi đức Phật muốn dạy cho dân chúng hiểu biết về tình thương và lòng hảo tâm Ngài thường kể những câu chuyện nhằm gây sự chú ý của họ. Dưới đây là một trong các mẩu chuyện đó.

Ngày xưa lâu lắm rồi, có một ông vua rất tự hào. Ông muốn xây cho mình một cung điện rất lớn nên ông đã ra lịnh cho các triều thần: “Các ngươi đi vào rừng và tìm cho trẩm một cây cao nhất tại đó. Trẩm sẽ dùng nó để xây cất cung điện của trẩm”.

Các quan triều thần đi vào rừng và tìm thấy một cái cây như vậy. Cây này to lớn và mọc xung quanh có nhiều cây nhỏ khác. Tối hôm đó, họ báo cáo cho nhà vua biết và tâu rằng: “Thưa hoàng thượng, chúng tôi đã kiếm ra được cái cây mà Ngài muốn. Sáng mai, chúng tôi sẽ trở lại vào rừng để đốn chặt nó xuống”.

Nhà vua rất vui mừng và đi nghỉ. Ðêm ấy, ông nằm thấy một giấc mộng kỳ lạ. Nhà vua chiêm bao thấy rằng vị thần sống ở cây đó hiện ra trước mặt ông và nói: “Thưa Hoàng Thượng, xin Ngài đừng triệt hạ ngôi nhà mà tôi đang cư ngụ. Nếu Ngài làm vậy, mỗi lát chặt vào cây sẽ làm cho thân tôi vô cùng đau đớn và tôi sẽ chết”.

Nhưng nhà vua đã trả lời: “Ngươi là một thân cây đẹp nhất trong khu rừng này. Trẩm cần dùng cây ấy để xây dựng cung điện của trẩm”.

Vị thần chống đối, nhưng đức vua vẫn ngoan cố và cương quyết đòi đốn ngã cây xuống. Cuối cùng, thần cây thưa với nhà vua: “Ðược rồi, Ngài có thể đốn chặt cây. Nhưng mong Ngài làm như thế này. Xin đừng chặt nó từ nơi gốc như người ta thường làm. Mà Ngài nên cho người leo lên tới ngọn cây và cắt nó từ từ. Ðầu tiên họ chặt một khúc, rồi một khúc nữa cho đến khi họ chặt hết cả toàn cây”.

Nhà vua rất ngạc nhiên khi nghe như vậy nên ông ta nói: “Nhưng nếu trẩm ra lịnh cho người ta làm như nhà ngươi bảo và chặt vào thân cây nhiều lần điều ấy sẽ gây ra cho nhà ngươi rất đau đớn hơn là họ chặt một lát vào gốc để hạ cây xuống”.

Vị thần đáp lại: “Vâng, đúng vậy. Nhưng nếu Ngài làm theo lời tôi đề nghị thì sẽ an toàn hơn cho các sinh vật khác ở trong khu rừng này. Ngài xem, cây của tôi rất lớn. Nếu xuống, nó sẽ đập trúng nhằm các cây thấp và giết hại vô số sinh vật bé nhỏ xung quanh. Các tổ ấm của những chim chóc, sâu bọ sẽ bị tàn phá và nhiều cây nhỏ khác sẽ bị hủy diệt. Nếu Ngài chặt cây từng khúc ngắn thì sẽ gây ra ít thiệt hại hơn”.

Nhà vua nghe thần cây nói vậy, liền tỉnh ngộ. Ông ta nghĩ: “Vị thần cây tự nguyện muốn bị chặt hàng trăm lần để tránh không gây đau khổ cho những loài vật nhỏ trong rừng. Thần cây đã hết lòng hy sinh và có tình thương thực bao la! Còn ta lại quá ích kỷ muốn đốn chặt cây vì thú vui và niềm kiêu hãnh của riêng mình, do đó thay vì chặt ngã nó ta nên sùng kính thần cây. Giấc mộng này còn dạy ta nên có lòng thương và đối xử tốt với mọi người”.

Hôm sau, đức vua đi vào rừng để trang hoàng cho thần cây. Và từ ngày đó, ông trở nên một nhà cầm quyền nhân đức và công bình.

Lòng Thương Bình ÐẲng ÐỐi VỚi TẤt CẢ

      Một ngày nọ, Ðề Bà Ðạt Ða ốm đau. Nhiều bác sĩ đến khám bịnh nhưng không ai chữa được cho ông ta. Rồi đức Phật, bà con với Ðề Bà Ðạt Ða đã đến thăm ông.

Một trong các đệ tử đức Phật đã hỏi Ngài: “Bạch đức Thế Tôn, tại sao Ngài muốn đến giúp Ðề Bà Ðạt Ða? Nhiều lần ông ta đã âm mưu ám hại ngay cả ông muốn giết Ngài!”.

Ðức Phật trả lời: “Không có lý do gì để ta đối xử tốt với người này và thù ghét những kẻ khác. Tất cả đều bình đẳng vì mọi người đều muốn có hạnh phúc và không ai thích ốm bịnh cũng như đau khổ. Cho nên, chúng ta nên yêu thương mọi người”.

Rồi đức Phật đến cạnh giường của Ðề Bà Ðạt Ða và nói: “Nếu thực sự Ta mến thương Ðề Bà Ðạt Ða là người luôn luôn muốn ám hại Ta cũng như Ta đã yêu thương La Hầu La, đứa con độc nhất của Ta, thì nguyện cho người bà con với Ta sẽ lành bịnh!”. Tức thì Ðề Bà Ðạt Ða được bình phục, và mạnh khõe trở lại.

Ðức Thế Tôn liền quay sang dạy bảo những đệ tử của Ngài: “Các con nên nhớ là chư Phật thường cứu giúp tất cả chúng sanh một cách bình đẳng”.

NhỮng Ngày CuỐi Cùng

      Lúc đức Phật tám mươi tuổi, Ngài tự nghĩ: “Ta đã làm tất cả để có thể cứu độ mọi người. Ta đã giáo hóa cho họ biết sống yêu thương nhau và không sợ hãi trước bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc đời. Nay đến lúc Ta sẽ dạy cho họ làm sao từ giã cõi đời này không chút âu lo phiền muộn”.

Rồi đức Phật gọi Ðại Ðức A Nan thân tín đến và bảo: “Này A Nan, nay chúng ta nên trở về thành Ca Tỳ La Vệ lần cuối cùng. Ta muốn nhập diệt tại kinh thành nơi Ta đã sinh ra và lớn lên”.

Ðại Ðức A Nan rất buồn rầu và than khóc: “Kính bạch đức Thế Tôn, xin Ngài đừng rời bỏ chúng con! Từ nhiều năm qua, Ngài là vị đạo sư đã hướng dẫn cho chúng con. Nếu vắng bóng Ngài chúng con không biết làm sao đây”. Rồi Ðại Ðức A Nan khóc lóc thảm thiết.

Ðức Phật khuyên bảo: “Này A Nan, con đừng khóc. Ta đã luôn luôn dạy rằng sự chết là việc tự nhiên trong cuộc đời. Không có gì mà con phải sợ. Con nên hiểu rõ điều ấy. Và khi ta không còn nữa con hãy lấy giáo pháp của Ta làm thầy hướng dẫn cho con. Nếu tâm con thâm nhập được những lời dạy của Ta thì con không cần thiết có Ta nữa. Lại đây, chúng ta hãy lên đường”.

Ðức Phật và các đệ tử của Ngài đi về hướng bắc. Khi đến một nơi không xa thành Ca Tỳ La Vệ, tất cả đi ngang qua ngôi làng Câu Thi Na (Kusinara) (28). Tại đây đức Phật bảo các đệ tử ngừng lại để nghỉ ngơi. Rồi Ngài quay lại nói với Ðại Ðức A Nan: “Ðây là nơi Ta sẽ nhập diệt”.

Mặc dù hôm ấy là ngày cuối cùng trong cuộc đời của đức Phật, Ngài vẫn còn cứu độ cho những kẻ khác. Một ông lão ở trong làng đến xin được gặp đức Phật và Ngài đã nhận lời. Ðức Thế Tôn lắng nghe những nỗi khổ đau của người đệ tử già và dùng lời nói từ hòa khuyên giải ông ta. Tâm ông lão

cảm thấy an lạc và hạnh phúc trở lại.

Rồi đức Phật đi vào trong vườn và nằm nghỉ giữa hai thân cây. Những đệ tử của đức Phật tập họp quỳ xung quanh Ngài. Một số vị đang khóc lóc, nhưng các người khác họ giữ tâm hoàn toàn thanh tịnh và yên lặng nhìn Ngài.

Ðức Phật khuyến giáo chúng đệ tử lần cuối cùng: “Hãy ghi nhớ những lời Ta đã dạy các con. Lòng tham và dục vọng là nguyên nhân của mọi khổ đau. Cuộc đời luôn luôn biến đổi vô thường, vậy các con chớ nên tham đắm vào bất cứ vật gì ở thế gian. Mà cần nỗ lực tu hành, cải đổi thân tâm để tìm thấy

hạnh phúc chân thật và trường cửu”.

Rồi đức Thế Tôn quay mình qua hướng mặt và đặt cánh tay phải xuống dưới đầu của Ngài. Ðức Phật nhắm mắt lại và nhập Niết Bàn một cách an lành. Hôm ấy nhằm vào ngày Rằm tháng Tư âm lịch.

Sau một thời gian các đệ tử mang kim thân của Ngài đặt trên một đống cũi lớn. Theo tục lệ, họ chuẩn bị hỏa thiêu Ngài nhưng họ không thể châm lửa cháy được. Phải chờ vị đại đệ tử của đức Phật đến. Lúc đức Thế Tôn nhập diệt, vị này đang ở xa nên ông ta vội vàng trở về Câu Thi Na ngay khi hay tin đức Phật đã viên tịch. Khi về tới nơi, vị đệ tử lớn này đảnh lễ đức Thế Tôn lần cuối cùng thì dàn cũi tự nhiên bốc cháy. Kim thân đức Phật được hỏa thiêu một thời gian lâu cho tới khi cháy hết không còn gì ngoại trừ các xá lợi xương tro.

Các vị vua sống tại miền bắc Ấn Ðộ vào thời ấy, tất cả đều muốn giữ tro và xương của đức Phật. Họ tự nghĩ: “Ta sẽ xây dựng một ngôi bảo tháp tại vương quốc của ta để thờ đấng giáo chủ vĩ đại này và tôn trí đặt xá lợi của Ngài trong đó. Ðiều này sẽ mang lại cho ta và xứ sở của ta niềm hãnh diện lớn lao”.

Vì nhà vua nào cũng muốn có xá lợi của đức Phật cho nên họ bắt đầu tranh chấp cãi cọ nhau. Một ông nói: “Những xá lợi này của tôi”. Ông kia bảo: “Không chúng thuộc của tôi”. Cuối cùng một vị đạo đức phát biểu: “Ðức Phật đã dùng hết cuộc đời của Ngài để chỉ dạy cho chúng ta biết thương yêu nhau. Giờ đây, sau khi Ngài viên tịch, quý vị là những người điên rồ đang chuẩn bị giao chiến vì những xá lợi (xương tro) của Ngài. Ðánh nhau là chúng ta đã phản lại những lời dạy từ bi của đức Thế Tôn. Vậy chúng ta nên chia đồng đều các xá lợi của Ngài. Và mỗi quỳ vị có thể xây dựng một bảo tháp để thờ xá lợi tại vương quốc của mình”.

Các vị vua nhận thấy những lời khuyên này thực sáng suốt cho nên họ đã chấm dứt cuộc tranh chấp. Họ chia đều cho nhau những xá lợi (xương tro) của đức Từ Phụ và lên đường trở về nước. Sau đó, các nhà vua đã cho xây những bảo tháp thờ xá lợi để ghi nhớ đức Phật là đấng đã chỉ dạy cũng như sống theo cái Ðạo hoà bình và trí tuệ.

Giáo Pháp VẪn Còn TỒn TẠi

       Ðức Phật đã nhập diệt hơn 2500 năm trước tại một ngôi làng nhỏ ở Ấn Ðộ. Nhưng giáo pháp đầy tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn không bao giờ mất. Các đệ tử cùng sống với đức Thế Tôn đã truyền bá giáo lý của Ngài cho nhiều người khác. Và những Phật tử này lại thay phiên nhau thuyết giảng Phật Pháp đến cho các thế hệ sau đó. Bằng cách này giáo lý đức Phật được truyền lại đến cho nhân loại ngày nay.

Mọi người trong mỗi quốc gia, bất luận nam hay nữ họ theo tín ngưỡng nào, đều có thể tu học theo giáo lý từ bi này của đức Phật. Nhờ thực hành nghiêm chỉnh những lời dạy đó, chúng ta sẽ tận diệt được lòng ích kỷ, sân hận và tham lam. Chúng ta có thể khắc phục mọi nỗi lo âu, có được nội tâm an lạc và trí tuệ hiểu biết mà Thái Tử Tất Ðạt Ða đã tìm thấy dưới cội Bồ Ðề (Cây Giác Ngộ). Cũng như Ngài đã thành tựu, mỗi chúng ta đều có thể trở thành một vị Phật, đấng Giác Ngộ. Chúng ta cũng có thể mang lại hạnh phúc cho mọi người khác như đức Thế Tôn đã làm.

Nguyện cầu cho tất cả chúng sanh an lành!

“Chớ làm các điều ác.

Nên làm những việc lành.

Giữ tâm ý cho trong sạch.

Ðó là lời dạy của chư Phật”.

Chú Thích của Dịch Giả

Về chữ viết tắt dùng dưới đây, P là Pali (tiếng Ba Lị); S là Sanskrit (tiếng Phạn) và Jap. là Japanese (Nhật ngữ).

1. (HOÀNG HẬU) MA GIA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Màyà (Ba Lị và Phạn) hay Maka (Nhật). Mẹ của đức Phật và vợ của vua Tịnh Phạn (Ba Lị: Suddhodana). Bà sống ở nước Câu Ly (Ba Lị: Koliya) thời xưa, nay thuộc vương quốc Nepal. Bà còn có tên gọi là Ma Ha Ma Gia (Ba Lị: Mahà Màyà).

2. TỊNH PHẠN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Suddhodana (Ba Lị); Suddhodana (tiếng Phạn) hay Jòbonnò (Nhật ngữ). Thân phụ của thái tử Tất Ðạt Ða (Phạn: Siddhàrta) và là tộc trưởng bộ tộc Thích Ca (Ba Lị: Sakiya). Ông là vua cai trị một nước nhỏ ở dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn (Himalayas) có kinh đô đóng tại thành Ca Tỳ La Vệ (Ba Lị: Kapilavatthu), ngày nay thuộc vương quốc Nepal.

3. LÂM TỲ NI: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Lumbini (Ba Lị và Phạn). Tên một hoa viên nơi đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Ba Lị: Buddha Shakyamuni) đã ra đời hơn 2.600 năm trước. Nó nằm gần kinh đô Ca Tỳ La Vệ của bộ tộc Thích Ca. Ngày nay Lâm Tỳ Ni (Lumbini) có tên gọi là Rummindei thuộc lãnh thổ xứ Nepal. Vua A Dục (Asoka) của Ấn Ðộ (273-232 trước tây lịch) đến viếng thăm nơi này khoảng vào năm 250 trước tây lịch. Ðức vua đã cho xây dựng một trụ đá tại đây để kỷ niệm chuyến đi hành hương chiêm bái của Ngài. Lâm Tỳ Ni là một trong bốn thánh tích quan trọng nhất của Phật Giáo. Ba Phật tích kia là Phật Ðà Ca Da (Buddha Gaya), vườn Lộc Uyển (Sarnath) và Câu Thi Na (Kusinara).

4. TẤT ÐẠT ÐA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Siddhattha (Ba Lị), Siddhàrtha (Phạn) hay Shittta-Taishi (Nhật ngữ). Nghĩa đen là “người đã hoàn thành mục tiêu đại nguyện của mình”. Tục danh của đức Phật trước khi Ngài xuất gia.

5. A TƯ ÐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Asita (Ba Lị và Phạn) hay Ashida (Nhật). Vị đạo sĩ ẩn tu ở tiểu quốc Ca Tỳ La Vệ thời xưa (nay thuộc xứ Nepal). Khi thái tử Tất Ðạt Ða giáng sinh ông đến thăm tiên đoán rằng sau này nếu thái tử ở đời sẽ là một đại vương và nếu xuất gia đi tu ngài sẽ thành Phật.

6. ÐỀ BÀ ÐẠT ÐA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Devadatta (Ba Lị và Phạn) hay Daibadatta (Nhật). Bà con với đức Phật. Ðầu tiên, Ðề Bà Ðạt Ða là đệ tử của đức Thế Tôn nhưng sau ông từ bỏ và trở thành kẻ thù của Ngài. Hai lần ông mưu toan ám hại đức Phật. Lần thứ nhất, ông đứng trên đồi lăn đá xuống làm đức Phật bị thương, nhưng sau Ngài được y sĩ Kỳ Bà (Jivaka) chữa lành. Lần thứ hai, Ðề Ðà Ðạt Ða xúi giục người giữ voi ở thành Vương Xá (Ràjagaha) nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) ngày xưa thả voi say Nalagiri chạy ra đường để giết đức Phật, nhưng khi đến gần voi quỳ xuống bên chân Ngài. Vào cuối đời, Ðề Bà Ðạt Ða nhận biết lỗi lầm của mình. Ngày nọ, ông đang trên đường đến gặp đức Thế Tôn mong được sám hối để Ngài tha thứ, nhưng chưa kịp tới gặp đức Phật thì ông đã bị đọa rơi vào hỏa ngục.

7. DA DU ÐÀ LA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Yasodharà (Ba Lị), Yásodhara (Phạn) hay Yashudara (Nhật). Vợ của thái tử Tất Ðạt Ða (Siddhàrta) trước khi Ngài đi tu và là mẹ của La Hầu La (Ba Lị: Rahula), con của đức Phật. Sau này, bà đã xuất gia làm Tỳ Kheo Ni.

8. THIỆN GIÁC: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Suprabuddha (Ba Lị) hay Zenkaku (Nhật ngữ). Vị vua trị vì bộ tộc Câu Ly (Koliya) có kinh đô đóng tại thành Devadaha, nay thuộc xứ Nepal. Ông là thân sinh của Da Du Ðà La (Yasodharà).

9. LA HẦU LA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Rahula (Ba Lị và Phạn), hay Ragora (Nhật). Con của đức Phật, sinh ra trước khi Ngài vượt thành xuất gia. Mẹ của La Hầu La (Rahula) là Da Du Ðà La (Yasodhàra). Sau này, ông trở thành một trong mười đại đệ tử của đức Phật.

10. CA TỲ LA VỆ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Kapilavatthu (Ba Lị), Kapilavastu (tiếng Phạn) hay Kabira-e (Nhật). Kinh đô của bộ tộc. Thích Ca (Sakya) dưới quyền cai trị của vua Tịnh Phạn (Suddhodana) Ðức Phật ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) gần thị trấn Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) và Ngài đã trải qua thời niên thiếu tại đó. Ngày nay, Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) được các nhà khảo cổ Ấn Ðộ xác nhận thuộc làng Tilaurakota trong địa hạt Terai, xứ Nepal.

11. XA NẶC: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Channa (Ba Lị), Chandaka (Phạn) hay Shanoku (Nhật). Người hầu cận thân tín của thái tử Tất Ðạt Ða (đức Phật). Ông đã mang ngựa Kiền Trắc (Kanthaka) đến cho thái tử cỡi để vượt thành xuất gia. Sau này Xa Nặc trở thành đệ tử của đức Phật.

12. KIỀN TRẮC: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Kanthaka (Ba Lị), Kanthaka (Phạn) hay Kenchoku (Nhật). Tên con ngựa mà đức Phật đã dùng để cỡi khi Ngài rời bỏ cung điện đi xuất gia.

13. MA KIỆT ÐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Magadha (Ba Lị và Phạn) hay Makada (tiếng Nhật). Một trong 16 nước lớn của Ấn Ðộ thời đức Phật còn tại thế. Lúc ấy, Ma Kiệt Ðà (Magadha) dưới quyền cai trị của vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra: 543-493 trước tây lịch) có kinh đô đóng tại thành Vương Xá (Rajagaha) nước Ma Kiệt Ðà (Magadha) xưa kia, nay thuộc các quận Patna và Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc ấn Ðộ.

14. TẦN BÀ SA LA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Bimbisàra (Ba lị và Phạn) hay Bimbashara (Nhật). Tên vị vua cai trị vương quốc Ma Kiệt Ðà (543-493 trước tây lịch) thời đức Phật còn tại thế. Ông đã kiến tạo thành Vương Xá (Ràjagaha). Kinh sách tiếng Ba Lị (Pali) ghi chép rằng Tần Bà Sa La (Bimbisàra) lên ngôi vua vào năm mười lăm tuổi, và năm sau ông quy y làm đệ tử của đức Thế Tôn. Ông là vị vua đã hết lòng ủng hộ Phật Giáo, đã dâng cúng Tu Viện Trúc Lâm cho đức Phật và chư Tăng.

15. VƯƠNG XÁ THÀNH: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Ràjagaha (Ba Lị), Ràjagrha (Phạn) hay Òsha-jò (Nhật): Kinh đô của vương quốc Ma Kiệt Ðà (Magadha) thời xưa, nay là thành phố Rajgir trong tiểu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Ðộ.

16. A LA LA:: Danh từ Hán Việt dịch âm ngắn gọn của chữ Alàra-Kàlàma (Ba Lị), Àràda-Kàlàma (Phạn) hay Ararakaran (Nhật). Tên vị đạo sĩ thái tử Tất Ðạt Ða đến hỏi đạo giải thoát ngay sau khi Ngài rời cung điện đi xuất gia và trở thành nhà tu khổ hạnh. Ðược biết đạo sĩ A La La là một triết gia theo phái Số Luận (Samkhya) và sống gần thành Tỳ Xá Ly (Ba Lị:Vesali), nay là thành phố Besàrh trong quận Muzzaffapur, tiểu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Ðộ.

17. UẤT ÐẦU LAM PHẤT: Danh từ Hán Việt dịch âm ngắn gọn chữ Uddaka-Ràmaputta (Ba Lị), Udraka-Ràmaputra (tiếng Phạn). Tên một trong các đạo sư thái tử Tất Ðạt Ða đến hỏi đạo sau khi xuất gia và trước khi Ngài thành Phật.

18. NI LIÊN THUYỀN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Neranjarà (Ba Lị), Nairanjanà (Phạn) hay Nirenzenga (Nhật). Tên một con sông vào thời đức Phật còn tại thế, ngày nay dân chúng Ấn Ðộ gọi là sông Phalgu hay Lilajana với nước trong xanh, sạch và mát. Dòng sông phát xuất từ vùng gần Simeria, trong quận Hazaribagh, miền trung tiẻu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Ðộ. Sa môn Tất Ðạt Ða (Siddhàrtha) đã viếng thăm và tắm ở sông này sau khi Ngài từ bỏ lối tu ép xác khổ hạnh. Cạnh bờ sông có khu rừng Sa-La, nơi đây đức Phật đã nghỉ ngơi vào buổi chiều ngay trước đêm Ngài thành Ðạo sau 49 ngày ngồi thiền định dưới cội Bồ Ðề tại làng Phật Ðà Ca Da (Buddha Gaya) nằm cách xa một khoảng ngắn về hướng tây con sông này.

19. CA DA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Gayà (Ba Lị) hay Gaya (tiếng Nhật). Tên một thành phố thiêng liêng thuộc tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ. Ðây là nơi đức Phật hay viếng thăm khi Ngài còn tại thế. Ngày nay Ca Da (Gaya) bao gồm thành phố Sahebganj về phía tây bắc và thị trấn Gaya cũ ở hướng nam. Phật Ðà Ca Da (Buddha Gaya) nơi đức Phật thành Ðạo cách thành phố Ca Da (Gaya) khoảng 10 cây số về phía nam.

20. TU GIÀ ÐA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Sujàtà (Ba Lị). Tên người con gái của vị điền chủ ở làng Senani gần thị trấn Ưu Lâu Tần Loa (Ba Lị: Uruvela) thời đức Phật còn tại thế, nay là làng Urel cách xa sáu dặm thị trấn Ca Da (Gaya) trong quận Gaya thuộc tiểu bang Bihar, vùng đông bắc Ấn Ðộ. Nàng phát tâm hứa sẽ dâng cúng cho vị thần cây đa cạnh nhà một bữa ăn cháo sữa nếu như nàng sanh một đứa con trai. Sau đó, cô sanh cháu trai, lòng mong ước của cô được mãn nguyện. Cô sai người hầu gái sửa soạn nơi cho cô đến lễ bái tạ ơn Người tớ gái thấy sa môn Tất Ðạt Ða đang ngồidưới gốc cây đa, cô tưởng ngài là vị thần cây hiện ra để thọ nhận lễ vật. Sau khi được người hầu gái thông báo, tín nữ Tu Già Ða (Sujàtà) rất vui mừng, mang thức ăn đựng trong bình bát bằng vằng đến cúng dường cho Ngài. Ðây là bữa ăn duy nhất của đức Phật trước khi Ngài chứng đạo giác ngộ sau thời gian 49 ngày ngồi thiền định dưới cội Bồ Ðề tại làng Phật Ðà Ca Da (Buddha Gaya) trong tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ.

21. BA LA NẠI: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Bàrànasi (Ba Lị và Phạn) hay Haranashi (Nhật). Tên cũ còn gọi là Banaras. Thành phố nằm cạnh bờ sông Hằng, kinh đô của vương quốc Ca Thị (Ba Lị: Kasi), một trong 16 nước của Ấn Ðộ thời đức Phật còn tại thế. Cách thành phố Ba La Nại khoảng bảy dặm (miles) la vườn Lộc Uyển (Sarnath) nơi đức Phật đã thuyết bài pháp đầu tiên “Kinh Chuyển Pháp Luân” cho năm người đệ tử xuất gia của Ngài. Thành Ba La Nại (Baranasi hay Banaras) xưa kia, ngày nay là thị trấn Varanasi hay Benares thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Ðộ (Xem chú thích số 22).

22. LỘC UYỂN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Migadàya (Ba Lị), Mrgadàva (Phạn) Rokuya-on (Nhật). Nghĩa đen là “Vườn Nai”. Là một trong bốn thánh địa quan trọng của Phật Giáo. Xưa kia Lộc Uyển (Migadàya)có tên Isipatana (Ba Lị) hay Rsipatana (Phạn). Ngày nay gọi là Sarnath, cách xa bảy dặm thành phố Ba La Nại (Benares hay Varanasi), trong tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Ðộ. Ðây là nơi đức Phật đã thuyết cho năm vị đệ tử xuất gia của Ngài bài pháp đầu tiên kinh “Chuyển Pháp Luân” tiếng Ba Lị là “Dhammacakkappavattana-Sutta” hay Phạn ngữ “Dharmacakrapravartana-Sùtra”. Lộc Uyển (Sarnath) cũng là nơi đức Thế Tôn đã trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên.

23. MA VƯƠNG: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Màra (Ba Lị và Phạn) hay Ma (tiếng Nhật). Nghĩa là quỷ sứ, yêu ma, thần của lòng tham ái, tội lỗi và chết chóc. Ma Vương là vua làm chủ cõi trời “Tha Hóa Tự Tại Thiên” hay“Paranirmita-vasavartin” (tiếng Phạn) tức là cảnh trời thứ sáu trong cõi Dục giới. Ma Vương thường được vẽ với hình tượng ngài có một trăm cánh tay và ngồi cỡi trên con voi. Trong Phật Giáo, Ma Vương là biểu tượng của những dục vọng khống chế, ngăn chận con người cũng như mọi hành động của chúng ta hướng đến việc lành và tiến bộ trên con đường giải thoát, giác ngộ.

24. PHẬT hay PHẬT ÐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Buddha (Ba Lị và Phạn), hay Butsuda (Nhật). Chữ “Buddha” (Phật) phát xuất từ ngữ căn tiếng Phạn “Budh” nghĩa là hiểu rõ, thấy biết hay tỉnh thức. Phật là người đã giác ngộ, không còn bị sanh tử luân hồi và hoàn toàn giải thoát.

25. KỲ ÐÀ QUẬT SƠN: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Gijjhakùta (Ba Lị), Grdhrakùta (Phạn) hay Gishakutsu-sen (Nhật). Cũng gọi là núi Linh Thứu hay “Núi hình chim Kên” (Vulture’s Peak) vì ngọn núi có hình dáng giống như con chim kên và cũng bởi chim kên thường hay tụ tập đậu trên đỉnh núi này. Ðây là một trong năm ngọn núi danh tiếng tại thành Vương Xá (Ràjagaha) thời đức Phật còn tại thế, tức là thành phố Rajgir ngày nay, trong tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn Ðộ. Xưa kia, nhiều đạo sĩ thường vào ẩn tu trong các hang động ở ngọn núi này và đức Phật cũng hay ghé lại tọa thiền nơi đây mỗi khi Ngài đến hoằng pháp tại Vương Xá. Ðược biết trên đỉnh núi này đức Phật đã thuyết nhiều kinh điển Ðại Thừa quan trọng trong đó có kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

26. A XÀ THẾ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Ajàtasattu (Ba Lị), Ajàtasatru (tiếng Phạn) hay Ajase (Nhật). Con vua Tần Bà Sa La (Bimbisàra) và hoàng hậu Vi Ðề Hi (Vaidehi). Ông lên làm vua trị vì nước Ma Kiệt Ðà (494-462 trước tây lịch) khoảng tám năm cuối cùng của đức Phật và tiếp 24 năm sau khi đức Thế Tôn nhập diệt. Tên A Xà Thế (Ajàtasattu) nghĩa là “kẻ thù (sattu) khi chưa sanh ra (Ajata) “ vì theo truyền thuyết bảo rằng lúc hoàng hậu Vi Ðề Hi mang thai ông, bà thường hay thèm khát hút máu nơi đầu gối của chồng. Do vậy, các chiêm tinh gia đoán rằng đứa con trong bụng bà tương lai sẽ sát hại cha nó (Tần Bà Sa La) để lên nắm quyền cai trị đất nước. Thực vậy, theo sử liệu Phật Giáo, A Xà Thế sau này đã bắt giam và bỏ đói giết chết vua cha trong ngục thất. Cùng với Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta), ông đã âm mưu chống lại đức Phật nhưng thất bại. Sau này, ông đã quy y làm đệ tử của đức Thế Tôn và ủng hộ mạnh mẽ Phật Giáo. Cuối cùng, A Xà Thế đã bị giết chết bởi chính con của ông là thái tử Udayabadra, người đã ở ngôi vua được 14 năm.

27. A NAN hay A NAN ÐÀ: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Ananda (Ba Lị và Phạn) hay Anan (tiếng Nhật). Ðại Ðức A Nan hay A Nan Ðà, bà con với đức Phật, là một trong mười vị đại đệ tử của Ngài. Ðại Ðức là vị đệ tử theo hầu cận (làm thị giả) đức Thế Tôn trong hơn hai mươi năm. Ðại Ðức là người có trí nhớ siêu phàm, đã có thể đọc lại thuộc lòng những bài thuyết của đức Phật mà về sau được ghi chép thành Kinh Tạng. Ðược biết rằng sau khi đức Phật nhập diệt, Ðại Ðức A Nan mới chứng đạo giác ngộ (đắc quả A La Hán) và Ngài sống thọ đến tuổi 120.

28. CÂU THI NA: Danh từ Hán Việt dịch âm chữ Kusinàrà (Ba Lị), Kúsinagara (tiếng Phạn) hay Kushinagara (Nhật Kinh đô của xứ Mạt La (Ba Lị: Mallas), một trong 16 vương quốc của Ấn Ðộ thời đức Phật còn tại thế. Ngày nay là làng Kasia cách xa 55 cây số về hướng đông thị trấn

the city of Gorakhpur in the Uttar Pradesh state of the northern India. This is the place where the Buddha entered Nirvana or died in the Sala Grove in about 543 B.C. After his death, his mortal remains were burned and a part of his relics were preserved in a stupa or pagoda in Kusinara. As the place of Buddha;s death, it became one of the most holy Buddhist places of pilgrimage.

Gorakhpur, trong tiểu bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Ðộ. Ðây là nơi đức Phật đã nhập Niết Bàn (viên tịch) trong rừng Sa La vào năm 543 trước tây lịch. Sau đó, kim thân của Ngài được hỏa thiêu và một phần xá lợi của đức Thế Tôn đã được tôn trí thờ trong một bảo tháp tại Câu Thi Na. Vì là nơi đức Phật đã nhập diệt cho nên thành phố này đã trở thành một trong bốn thánh địa thiêng liêng nhất của Phật Giáo.

theo ĐPNN

Tin Tức Liên Quan