AN PHÚ – CHỐN VỀ NGÀN THƯƠNG
Ai đó đã từng sinh cảm bởi câu hò Nam Bộ văng vẳng trên chuyến đò xuôi dòng nước miền Cửu Long để cảm nhận rất rõ tinh chất của quê hương đang sống dậy và khởi trào trong tâm khảm?. Ai đó đã từng bùi ngùi và lắng nghe con tim thổn thức khi thoáng thấy chiếc áo Bà Ba loang lỗ màu thời gian khoác trên mình người phụ nữ Nam Bộ cùng với chiếc khăn rằn thấm mồ hôi lao động? Tôi nghĩ rằng đó là tinh chất của quê hương, và nguồn thương của cuộc đời bắt đầu từ đó…
Và… cũng có một nguồn thương bắt đầu cho tất cả niềm thương mang tên Chùa An Phú.

Văng vẳng đâu đó trong miền ký ức, chúng tôi được nghe về hành trình của bậc tổ thầy xuôi con nước từ xứ sở Nam Vang trở về chốn Sài Gòn – Gia Định mang theo bao hoài bão của một kiếp nhân sinh, của một đời Tăng sĩ và cả một trời thương để vững tay chèo trên con thuyền tìm về xứ sở… nơi bắt đầu cho một nguồn thương được dung dưỡng muôn đời.
Trong miền ký ức, những hình ảnh vọng về và hiện ra với một Tăng sĩ Phật Giáo từ nơi xa xôi trở về đất tổ, mang theo những đứa con trong ngôi nhà Đạo – ngôi nhà chánh pháp, lom khom và hì hục, tay xách và nách mang, bởi mọi thứ còn đơn sơ như bầu thinh không chẳng có gì vương vãi. Từ ngày đầu bỡ ngỡ, trống vắng và thanh đạm cho đến những ngày lửa lòng sôi sục chí nguyện vươn vai để hoà mình vào màu cờ 5 sắc, xiển dương đạo Thích Ca và truyền thừa dòng thiền Trí Tuệ. Tổ Sư Thích Từ Bạch người chúng con đang hướng về cho một nguồn thương được khơi dậy.

Chính nơi ấy, những dòng nước ngược xuôi còn trở mình theo ngày tháng, dân Nam Bộ còn khoác hình hài chân chất phèn chua, và ngôi chùa còn là những mái me thấm bụi phong sương chất chứa bởi vô thường, chính nơi ấy, ngày ngày tứ chúng vẫn âm thầm góp nhặt những mảnh vỡ sứ sành từ muôn nơi đổ về_những thứ mà tưởng chừng như vô nghĩa trên cõi đời để rồi ngày ngày tháng tháng và rồi lại đến năm năm… bỗng hiện ra và toả rạng một tuyệt tác giữa thị thành: Ngôi Chùa Miểng Sành mang tên An Phú.
Gọi là tuyệt tác bởi lẽ đó là kết tinh của bao nổi niềm hoài vọng, bao con tim và ý chí được vun đắp từng phút giây thông qua từng mảnh vỡ sứ sành để tạo ra tuyệt tác.
Gọi là tuyệt tác bởi lẽ sức của chẳng là bao mà sức người là vô bờ bến, lao động và cống hiến cho ngôi Già lam bất kể nắng mưa đêm ngày, tháng nắng, ngày mưa và cả triệu giọt mồ hôi đã kết tinh thành tuyệt tác. Và đâu đó còn có những giọt nước mắt tuôn rơi do sức người còn hạn chế, do bào mòn của thương đau và cũng do niềm hạnh phúc được dâng trào.
Gọi là tuyệt tác bởi lẽ ý nghĩa nhân văn và thông điệp giải thoát mà bậc tổ thầy muốn nhắn gửi tha nhân: “Những thứ xấu dơ và bị vứt bỏ, bước vào cửa đạo qua ngày tháng tôi luyện cũng sẽ thành hình hài của thẩm mỹ, cũng vậy, con người dù ở trong tầng lớp hay hoàn cảnh nào, bước đến cửa thiền đều trở nên thánh thiện sau khi gội bỏ tâm phàm. Người biết tu mọi điều đều trở nên thiện lành, người không biết tu thì mọi cố gắng trong đời sẽ chỉ mang về nổi niềm thương đau”.
Gọi là tuyệt tác bởi tình thầy trò được dưỡng nuôi qua tháng ngày đấu lưng gầy dựng một ước mong cao cả; Tình người được thấm đượm qua những phút giây chung sống ái hoà cùng chung tay vun đắp một xứ sở thiêng liêng; Tình thương và ý chí sắt son cho một ngày sau tươi đẹp đã gắn kết mười phương xứ sở trở thành một đại gia đình dưới mái chùa thân thương.
Và nơi ấy đã ra đời một tuyệt tác thiêng liêng, thiêng liêng bởi tình người, thiêng liêng do ánh đạo rạng soi và dẫn lối hàng vạn con tim, thiêng liêng cũng bởi do lòng người chưa từng phai nhạt chí nguyện ban sơ, tử sinh cùng hơi thở, vật lộn qua năm tháng phong sương để chờ đến một ngày sừng sững ngôi bảo điện tráng lệ, nghi nghiêm.
Và khi ấy, nguồn thương bắt đầu tuôn chảy đến muôn phương như sự thật được rao truyền một cách âm thầm ấm áp…
Tiếng mõ, câu kinh quyện tiếng chuông chùa chưa một lần ngưng vang vọng, bước chân kinh hành tĩnh niệm và hương thiền chưa một lần bặt im, cho đến khi bóng dáng từ hoà của bậc Tôn Sư có khuất dạng về Tây thì dòng mạng mạch vẫn truyền lưu không dứt. Thầy chúng tôi, hiệu Hiển Đức gánh vác tâm tư, trãi bước đạo hoằng. Đã bao lớp tăng sĩ đến đi tu học, đã bao lớp tín đồ dưỡng đạo tu thân; Tất cả đến đi trong đời vô tình đã điểm tô rõ nét sự ở lại của người chèo đò thầm lặng.
Bao năm rồi vẫn thế, mỗi ngày sớm tối cống hiến và hy sinh, một là vì di huấn tổ sư, một là vì tâm tư hoài bão và còn một nữa là vì nặng gánh quê hương – đạo pháp. Thầy mãi canh cánh bên lòng câu thơ gối đầu:
“ Hôm nay đặng hưởng mâm dường ấy
Lẽ nào quên lúc khổ cùng thầy”.
Phát triển tông phong, trùng hưng tam bảo là tâm nguyện chưa bao giờ ngưng dứt dẫu rằng tứ đại xác thân này cứ vẫn rã rượi bởi thời gian và tật bệnh. Đôi chân thầy chưa một ngày ngưng lại như cách mà thế nhân gọi là tịnh dưỡng xác thân, đôi chân ấy cứ mãi ngược xuôi bởi Phật sự, bởi hậu thế, bởi tha nhân mà chưa một lần bày tỏ, bởi lẽ thời gian dành cho kiếp người với thầy chúng tôi là hành động, cống hiến, là lao động, là hy sinh, thời gian ấy không dành để giải thích hay tỏ bày cùng ai. Và đó là tinh chất của tình thương, là mãnh lực tạo nên chất liệu sống trọn vẹn từng phút giây.
Chính niềm thương, sự dung dị, sự hoà mình dấn thân và sự nhập thế sâu sắc đã tạo nên một hình hài An Phú, để rồi trong tất cả mối thương đau, chúng tôi nghĩ về An Phú như sự trị liệu tâm hồn, trong tất cả buồn khổ chúng tôi nghĩ về An Phú như để tắm mát lại tâm tư, trong tất cả luỵ phiền, cô đơn, chúng tôi nghĩ về An Phú như một nguồn thương bất tận để được san sẻ, chở che và làm sống dậy niềm thương trong lòng.
Không có niềm thương con người sẽ chết trong hố sâu của cô đơn và tuyệt vọng, không có nguồn thương thì mọi động lực cao cả sẽ tắt lịm bởi sự tàn phá của trần gian, không có nguồn thương thì mọi điều mong ước sẽ đi về ngõ cụt của sự khô héo tâm hồn. Niềm thương vắng mặt thì khổ đau sẽ lập tức tìm về bên ta. Niềm thương được thể hiện, hạnh phúc liền có mặt nơi đây.
Có bao giờ chúng ta thấy lòng mình bùi ngùi và đau nghẹn khi thấy nổi khổ của tha nhân? Có bao giờ chúng ta thấy lòng mình đau thắt khi nghĩ tưởng đến sự hy sinh thầm lặng của tổ thầy, của ông bà tổ tiên, của tiền nhân hay của bậc trưởng thượng? Và có bao giờ chúng ta biết thương cảm cho một sự bất hạnh bất kỳ nào đã và đang xảy ra trên cõi đời? Nếu rằng chưa thì hạnh phúc là gì sao con tim biết được, vì hạnh phúc vốn bắt đầu từ con tim, nơi chất chứa tình thương.
Do vậy, hãy trân quý nguồn thương của chính mình, là mẹ cha, là thầy tổ, là bằng hữu, và có thể là tha nhân. Nguồn thương không bao giờ ngừng dứt thì hạnh phúc luôn có cơ hội biểu hiện trong đời. Tu hành cũng thế, cốt làm sao cho tâm lành được rộng mở, niềm thương được trãi rộng để cho mình bớt khổ, để cho đời vơi đi nổi đau, để cùng trong một thế giới đại đồng không thù hận, không ghét ganh, không huỷ nhục, không đoạ đày nhau, mà chỉ có tình thương, chia sẻ, an vui và ấm áp. Một thế giới đại đồng như 2 câu đối mà chúng tôi vẫn thường đọc tại chùa:
“An độ chúng sanh bất luận hiển bần vinh nhục khách
Phú môn giáo hoá vật đàm đạt tiện trí muội nhơn”
SEN TRẮNG