Lá khoai lang luộc ăn giúp nhuận tràng. Củ khoai lang nướng chín, bóc vỏ ăn nóng chữa lỵ mới phát. Không ăn khoai sống vì lâu tiêu.
Khoai lang rất thông dụng, được trồng để lấy củ ăn thay gạo. Sách xưa ghi: nước ta có người chỉ ăn khoai lang quanh năm mà sống ngoài 100 tuổi. Khoai được luộc ăn, thái miếng phơi khô, hoặc luộc lên rồi thái miếng phơi khô cất giữ để ăn dần như lương thực.
Ở nước ta, khoai lang được trồng lâu đời ở nhiều địa phương. Người ta tạo ra được nhiều giống khoai như khoai lang trắng, khoai lang đỏ, khoai lang nghệ, khoai lang tím, khoai lang vàng.
Ngọn lá non của cây rau lang dùng làm rau ăn (luộc xào với tỏi ăn, nấu canh…) có nhiều tác dụng về dinh dưỡng và tiêu hóa. Củ khoai lang được chế biến ra nhiều món ăn khác như chiên bột, chiên giòn, nấu cà ri với gà, nấu chè, làm mứt… Trong lá và củ khoai có nhiều chất bổ dưỡng tốt cho cơ thể và cũng được dùng để trị bệnh.
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết củ khoai lang tươi chứa 24,6% tinh bột, 1,3% protein, 0,1% chất béo, các men tiêu hóa, vitamin B,C và tiền sinh tố A (có nhiều trong khoai lang nghệ), cùng các khoáng chất. Dây khoai và củ khoai chứa lượng nhỏ các chất như insulin, trị bệnh đái đường. Củ khoai hoặc lá khoai luộc ăn có tác dụng nhuận tràng, trị táo bón.
Một số cách chế biến khoai lang tốt cho sức khỏe, trị bệnh như sau:
Ngọn và lá khoai lang luộc ăn giúp nhuận tràng.
Củ khoai lang sống giã, ép lấy nước, uống vào buổi sáng, trước mỗi bữa ăn, trị táo bón, bệnh trĩ. (Uống trong 3 ngày liền đối với táo bón và một tháng liền đối với bệnh trĩ).
Đọt khoai lang hấp hoặc nấu canh ăn giúp tăng sữa cho con bú.
Lá khoai lang tươi giã, đắp chữa bỏng.
Củ khoai lang ăn thường xuyên, mỗi tháng ăn vài tuần khoảng giữa hai kỳ kinh, trị kinh nguyệt không đều, loạn kỳ, máu xấu.
Củ khoai lang nướng chín, bóc vỏ ăn nóng chữa lỵ mới phát.
Theo lương y Sáng, để có tác dụng bổ dưỡng nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng, còn nếu muốn giải cảm, chữa táo bón phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng. Nên ăn kèm khoai lang với đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.
Không nên dùng khoai lang (củ và rau) lúc quá đói vì khi đó đường huyết thấp, ăn sẽ làm hạ đường huyết, gây mệt mỏi. Không ăn thường xuyên rau lang vì chứa nhiều canxi có thể gây sỏi thận. Ngoài ra, không nên ăn khoai lang sống do màng tế bào tinh bột của khoai lang sống sẽ rất khó tiêu hóa. Chỉ khi luộc khoai các enzyme trong khoai sẽ bị phân hủy, và khi ăn sẽ không xuất hiện tình trạng đầy hơi, ợ chua, buồn nôn…
Đặc biệt, vỏ khoai lang có nhiều chất kiềm, ăn không tốt cho tiêu hóa. “Những vết nâu, đốm đen trên vỏ khoai khi ăn vào có thể bị ngộ độc thực phẩm”, lương y cho biết.
nguồn: vnexpress.net